Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT

24/10/2019 10:44 AM


Theo đó, ngày 25/9/2019, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2018, 9 tháng năm 2019 và trọng tâm phối hợp công tác năm 2019-2020.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả đạt được trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc Tổng Liên đoàn đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến NLĐ; tham gia xây dựng thể chế, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống đoàn viên, NLĐ, xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa đoàn viên và tổ chức Công đoàn… Tuy nhiên, hiện nay đời sống của một bộ phận NLĐ vẫn còn khó khăn, số DN ngừng hoạt động, phá sản, giải thể vẫn ở mức cao, khiến nhiều NLĐ mất việc làm. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT ở các DN vẫn diễn ra tại nhiều địa phương...

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, 2 bên cần tiếp tục tham gia hiệu quả, tích cực hơn nữa trong công tác xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội, nhất là đối với các chính sách liên quan đến NLĐ và tổ chức Công đoàn. Tiếp tục nâng cao chất lượng thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại và tăng tỉ lệ thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở. Triển khai các mô hình mới về tư vấn, phổ biến pháp luật đến công nhân, NLĐ. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, NLĐ, nhất là trong các dịp lễ, Tết... Nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách lao động việc làm…

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các DN đến năm 2020” và Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện các Đề án cho các giai đoạn tiếp theo…

Về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/2017/QH14 theo hướng ưu tiên giải quyết nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với NLĐ, quyền lợi khác theo HĐLĐ và thỏa ước lao động tập thể, Thủ tướng cho rằng, cần đảm bảo sự đồng bộ với Luật phá sản DN và Bộ luật Lao động. Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH; thực hiện khởi kiện DN chậm đóng, trốn đóng, gian lận BHXH, BHYT; rà soát, thống kê cụ thể số NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi trong các DN phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ nợ bỏ trốn để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động một cách toàn diện, thận trọng (tránh tạo tiền lệ để các DN khác lợi dụng tiếp tục trốn đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ) và đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật BHXH và các luật khác có liên quan, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Về việc KCB vào ngày lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính cho người bệnh có thẻ BHYT, Thủ tướng giao Bộ Y tế có kế hoạch cụ thể để thực hiện, bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu KCB cho CNLĐ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Báo BHXH VN.