Gỡ vướng về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

15/10/2019 08:36 AM


Theo ý kiến của cử tri tỉnh Nghệ An gửi đến Kỳ họp thứ 7, tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BGD-BYT ngày 12/5/2016 đã thể hiện rõ trách nhiệm và tầm quan trọng công tác y tế học đường. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường học chưa được giao định biên nhân viên y tế.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, một số trường học ký hợp đồng với cá nhân có trình độ chuyên môn và đủ năng lực, vì việc ký hợp đồng với trạm xá phường, xã hoặc cơ sở KCB từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên như quy định là không thực hiện được, do các đơn vị này không thể bố trí nhân lực trực thường xuyên tại trường.

Tuy nhiên, theo Khoản 2, Điều 8 Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BGD-BYT và Khoản 2, Điều 34 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì BHXH chỉ thực hiện việc trích chuyển kinh phí 5% chăm sóc sức khỏe ban đầu khi đủ điều kiện phải là biên chế nhân viên y tế hoặc ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở KCB từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên. Do đó, các trường học gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định về y tế học đường, đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:

Việc cấp kinh phí từ quỹ BHYT để thực hiện KCB trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại các trường học thực hiện theo Khoản 1, Điều 34 Nghị định 146/2018/NĐ-CP:

“1. Cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, DN quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 31 Nghị định này (trừ cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, DN đã ký hợp đồng KCB BHYT theo quy định tại Điều 19 Nghị định này) được cấp kinh phí từ quỹ BHYT để thực hiện KCB trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có ít nhất một người có đủ điều kiện hành nghề KCB theo quy định của pháp luật về KCB làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu;

b) Có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho các đối tượng do cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, DN quản lý khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập, làm việc tại cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, DN”.

Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp tham vấn ý kiến, góp ý của đại diện các đơn vị thuộc các Bộ: Y tế, Tư pháp, GD-ĐT, LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà cử tri đã nêu và đã có Công văn số 3118/BYT-BH ngày 4/6/2019 gửi BHXH Việt Nam.

Cụ thể, nội dung tại Điểm a, Khoản 1, Điều 34 Nghị định 146/2018/NĐ-CP Chính phủ quy định “có ít nhất một người đủ điều kiện hành nghề KCB theo quy định của pháp luật về KCB làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu”. Như vậy, người đủ điều kiện hành nghề KCB phải đáp ứng điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về KCB. Người đã có chứng chỉ hành nghề cho dù phạm vi hoạt động chuyên môn khác nhau vẫn là người có đủ điều kiện hành nghề KCB để thực hiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu, vì Chính phủ không quy định chứng chỉ hành nghề hoạt động cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên môn nào.

Người thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong Nghị định quy định được hiểu là: (i) Những nhân viên y tế của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, DN ngoài làm công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu còn kiêm nhiệm các công việc khác do người đứng đầu đơn vị này giao nhiệm vụ; (ii) Nhân viên y tế của các cơ sở KCB khác (trạm y tế xã, phòng khám đa khoa,...) được người đứng đầu cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, DN ký hợp đồng với cơ sở, cá nhân miễn là cơ sở, cá nhân đó có đủ điều kiện KCB (có chứng chỉ hành nghề) để thực hiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Chính phủ cũng không quy định thời gian làm việc cũng như không có quy định phải có văn bản cam kết việc bố trí nhân lực có mặt thường xuyên tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức, DN đối với người làm công tác CSSKBĐ.

Nguồn: Báo BHXH Việt Nam