Hướng đi cho BHXH tự nguyện
29/09/2019 09:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bài 1
“Điểm tựa” cho lao động phi chính thức
Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH xác định rõ, để BHXH thực sự trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, cần phải từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện. Song để đạt mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự đột phá trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện…
Điểm tựa khi về già
Trước đây, nhiều người thường nói với nhau phải vào “nhà nước” để được đóng BHXH và có lương hưu khi về già, chứ ít người dám tin sẽ có một ngày lao động tự do cũng được tham gia BHXH và có lương hưu. Chính vì thế, Luật BHXH năm 2006 và tiếp đến là Luật BHXH năm 2014 với những quy định cho phép lao động tự do được tham gia BHXH tự nguyện đã tạo động lực giúp nhiều người hiện thực hóa được giấc mơ có lương hưu, có “điểm tựa” an sinh cho tuổi già của mình.
Người dân huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đăng ký tham gia BHXH tự nguyện
Theo quy định của Luật BHXH, hiện nay, mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng BHXH bằng 22% mức thu nhập do NLĐ lựa chọn và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện là 700.000 đồng), cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (27.800.000 đồng). Do đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 154.000 đồng/tháng và mức đóng cao nhất là 6.116.000 đồng/tháng. Trong vòng 20 năm, khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi thì được nhận lương hưu; nếu NLĐ đóng 22% trên mức thấp nhất là chuẩn hộ nghèo hằng tháng thì khi về hưu sẽ được nhận lương hưu mỗi tháng khoảng 400.000 đồng. Tiền lương hưu này cũng được điều chỉnh tăng theo quy định về chính sách tiền lương của Nhà nước.
Dù gia đình là hộ điển hình làm kinh tế giỏi nhưng anh Trần Minh Tuấn (sinh năm 1985, ở phường Đáp Cầu, TP.Bắc Ninh) vẫn quyết tâm tham gia BHXH tự nguyện để tránh những rủi ro về già. Theo anh Tuấn, trước đây cán bộ BHXH về tận phường để tuyên truyền, nhưng vì chưa tìm hiểu nên anh không tham gia. Một lần, khi ra phường làm hồ sơ cá nhân, anh đã được biết đến đại lý thu BHXH và được tư vấn tỉ mỉ nên hiểu và quyết định tham gia với mức đóng hơn 5 triệu đồng/năm. Sau khi đăng ký tham gia, anh Tuấn mới thấy thủ tục rất đơn giản, dễ hiểu.
“Đến giờ tôi đã tham gia được 7 năm và sẽ tham gia đến lúc hết tuổi lao động. Tôi nhận thấy, tham gia BHXH tự nguyện để sau này tới tuổi nghỉ hưu sẽ có lương hưu, hoặc nếu chết người thân sẽ được nhận tiền tuất. Đặc biệt, mức đóng hàng tháng cũng thấp hơn một số loại bảo hiểm khác, chưa kể còn được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đóng. Đây là giải pháp mà NLĐ tự do như tôi nên chọn để tự đảm bảo cuộc sống cho mình lúc về già”- anh Tuấn chia sẻ.
Còn ông Phan Xuân Tam (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cũng đã quyết định bỏ gần 100 triệu đồng tham gia BHXH tự nguyện trong 5 năm liên tục cho cả gia đình (2 vợ chồng và 2 con). “Tôi từng có 14 năm tham gia BHXH nhưng năm 2014 khi nghỉ việc ở DN, tôi đã nhận “một cục” để lo việc gia đình. Ngày đó, tôi chưa có nhiều thông tin về BHXH tự nguyện nên gần đây khi tìm hiểu, tôi vô cùng tiếc nuối. Bây giờ kinh doanh tự do, tôi rất muốn lúc về già cả 2 vợ chồng cùng được nhận lương hưu, các con tôi khi đi làm cũng tiếp tục được đóng BHXH. Tôi tham gia BHXH tự nguyện theo mức đóng 800.000 đồng/tháng và sau này về hưu sẽ nhận được lương hưu 3,2 triệu đồng/tháng”- ông Tam cho biết.
“Kể chuyện” chính sách giản dị, gần gũi
Sau hơn 10 năm, nhất là từ khi có Nghị quyết 28-NQ/TW, việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện đã có sự chuyển biến tích cực. Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, người dân đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa của chính sách và sẵn sàng tham gia. Thậm chí, nhiều người sau khi tham gia các hội nghị tuyên tuyền do cơ quan BHXH tổ chức đã chủ động vận động người thân, làng xóm cùng tham gia…
Anh Nguyễn Huy Hoàng là một trong những cán bộ của BHXH huyện Gia Bình (Bắc Ninh) rất nhiệt tình, năng động trong công tác tuyên truyền. Theo anh Hoàng, để có thể vận động được người dân tham gia, trước tiên phải hiểu những lo lắng của người dân, xem họ đang cần gì? Đơn cử, với lao động tự do, họ thường lo tới tuổi nghỉ hưu sẽ không có thu nhập, không có tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày hoặc chi phí thuốc thang khi bệnh tật, dễ trở thành gánh nặng cho con cái… Tập trung tư vấn, giúp họ hiểu tham gia BHXH tự nguyện chính là giải pháp để giải tỏa nỗi lo đó. Còn đối với những người đã từng tham gia BHXH bắt buộc và có ý định nhận BHXH 1 lần, cần giải thích để họ hiểu…
“Những người trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện thường là lao động chính trong nhà, rất khó gặp được trong giờ hành chính. Vậy nên tôi thường phải hẹn vài lần hoặc gặp ngoài giờ để tư vấn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng linh hoạt thông qua người thân, bạn bè để tiếp cận đối tượng. Song điều quan trọng là phải giúp người dân hiểu BHXH tự nguyện là chính sách không vì mục tiêu lợi nhuận; khi tham gia họ sẽ được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng linh hoạt và được Nhà nước hỗ trợ một phần”- anh Hoàng chia sẻ.
Nói về kinh nghiệm của mình, chị Lê Thị Quyền- Hội Phụ nữ xã Thọ Hải (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho biết, bản thân chị không quản nắng mưa khi đến từng khu xóm, nhiều khi phải đi cả buổi tối, cả ngày nghỉ mới gặp được đối tượng cần tuyên truyền. Thậm chí, phải kiên trì tuyên truyền nhiều lần mới mang lại hiệu quả. Ngoài ra, nếu đối tượng không đủ tiền đóng, chị Quyền còn chủ động cho họ vay để đóng. “Nhiều người chưa hiểu nên so sánh với các loại hình bảo hiểm thương mại, tôi phải phân tích giúp họ. Dù khó vậy, nhưng vì mục đích an sinh, tôi vẫn quyết đến từng nhà để giải thích thấu tình đạt lý…”- chị Quyền chia sẻ.
Nguồn: Báo BHXH Việt Nam
5 sự kiện tiêu biểu của Ngành BHXH
Hướng dẫn kê khai hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...