Về hưu, người lao động thiệt vì BHXH đóng trên nền lương thấp
10/06/2016 03:20 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Mai Đức Chính
Ngày 8-6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) với sự tham dự của các bộ, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm cho người lao động trên nền lương thấp. Theo ông Chính, hiện doanh nghiệp chỉ đóng bằng mức lương tối thiểu vùng, ví dụ mức này là 3,5 triệu đồng, cộng thêm 7% chi phí qua đào tạo là 3,6 triệu đồng.
"Việc này là hợp pháp, nhưng 30 năm sau, khi về hưu người lao động thiệt vì doanh nghiệp chỉ đóng trên nền lương thấp nên họ chỉ được hưởng tối đa 75% của mức lương này thì mức sống thấp, trở thành gánh nặng cho xã hội" - ông Chính lo ngại.
Ông Mai Đức Chính "mổ xẻ" doanh nghiệp thường làm 2 bảng lương, một là bảng lương tối thiểu gửi cho BHXH, còn bảng lương quyết toán thuế trả cho người lao động hiện nay là 5,5 triệu đồng, ở TP HCM và Bình Dương là 6,5 triệu đồng. Khoảng chênh lệch 2 triệu đồng đó đã chiếm 22% thu nhập, do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị doanh nghiệp đóng quyết toán thuế bao nhiêu thì đóng cho BHXH bấy nhiêu trên nền lương.
Ngoài ra, ông Chính cho rằng, BHXH cần phải liên thông về số liệu thu nhập với cơ quan thuế nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động và nguồn thu của BHXH. “Nếu doanh nghiệp làm đúng thì người lao động sau 30 năm nữa mới có lương đủ sống”- ông Chính nói thẳng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam - Ảnh: Thành Chung
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Đỗ Văn Sinh cho biết, cơ quan này đang cùng Bộ Tài chính, cơ quan thuế phối hợp, thí điểm thu hộ BHXH ở 5 tỉnh và trên cơ sở đó sẽ nhân rộng trên toàn quốc.
Bày tỏ ủng hộ cách làm này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu BHXH phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong chia sẻ dữ liệu thu, bảo đảm việc thu công bằng giữa các khu vực. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy vướng mắc thì báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành BHXH, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51 để thực hiện chức năng này của BHXH. Do đó, BHXH cần cung cấp đầy đủ thông tin nợ đọng BHXH, chia sẻ với Tổng LĐLĐ để tiến hành đề nghị cơ quan tố tụng khởi tố hình sự với trường hợp doanh nghiệp có khả năng chi trả nhưng chây ì không đóng BHXH khi Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực từ 1-7-2016.
Gia tăng nợ BHXH
Ông Đỗ Văn Sinh cho biết, Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 quy định BHXH không có thẩm quyền khởi kiện nợ BHXH nên Tòa án không giải quyết các đơn kiện của BHXH. Do vậy, trong 5 tháng đầu năm, nợ BHXH đã lên tới 14.500 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2015. Phải đợi tới 1-7, khi Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) có hiệu lực thì Tòa án mới chấp nhận lại đơn kiện của BHXH Việt Nam. Do đó trong khoảng thời gian “trống” pháp lý này, các doanh nghiệp đã gia tăng tình trạng nợ BHXH.
Về thực trạng nợ BHXH, trong số 7.500 tỉ đồng nợ vào cuối năm 2015, có 2.200 tỉ đồng nợ khó đòi và 220 tỉ không thể đòi được vì có hơn 100 doanh nghiệp giải thể, ảnh hưởng tới cuộc sống của 13.000 lao động.
Sẽ đấu thầu thuốc BHYT
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị BHXH và Bộ Y tế phối hợp xây dựng đề án đấu thầu giá thuốc trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế để góp phần giảm giá thuốc, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Nguồn: Báo Người lao động
5 sự kiện tiêu biểu của Ngành BHXH
Hướng dẫn kê khai hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công ...
Hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ ...
Album ảnh hoạt động