Thông tuyến KCB BHYT: Tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT

09/06/2016 04:52 PM


KCB 020616.jpg 
Nhận đơn thuốc và trả thẻ BHYT tại Bệnh viện Thanh Nhàn

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, 4 tháng đầu năm, số người tham gia BHYT trên cả nước là 70.808.817 người, chiếm 76,79% dân số; Thanh toán chi phí KCB BHYT cho 44.196.103 lượt người, tăng 2.853.999 lượt người (6,9%) so với cùng kỳ năm 2015.; Số chi KCB BHYT là 16.680,9 tỷ đồng.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, 4 tháng đầu năm 2016, một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đi sâu vào cuộc sống, trong đó có thông tuyến KCB tuyến huyện trên địa bàn tỉnh. Việc này đã tác động rất tích cực đối với người KCB BHYT, tạo thuận lợi cho người dân trong khám chữa bệnh BHYT.

Thông tuyến KCB đã thuận lợi hơn rất nhiều cho người bệnh BHYT khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện. Người bệnh được lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện. Nhất là đối với các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được KCB và bảo đảm quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện trên phạm vi cả nước mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Nếu như thời gian trước (từ 1-1-2015 đến 31-12-2015) người bệnh khi đi KCB trái tuyến ở bệnh viện tuyến huyện, chỉ được hưởng 70% chi phí, nhưng từ 1-1-2016 thì được hưởng 100% chi phí BHYT, điều này đã tạo thuận lợi và mở rộng quyền lợi đối với người tham gia BHYT trong việc đi KCB.

Về phía các cơ sở khám chữa bệnh, theo đánh giá của Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, quy định thông tuyến là một động lực, một “sức ép” đối với các cơ sở KCB nói chung và cơ sở KCB công lập nói riêng. Lúc này, bệnh viện nào có thương hiệu tốt, có chất lượng chuyên môn tốt, và nhất là bệnh viện nào có tinh thần thái độ phục vụ tốt, chắc chắn sẽ thu hút được người bệnh đến đăng ký KCB ban đầu, cũng như sử dụng dịch vụ. Quy định thông tuyến đã buộc các cơ sở KCB phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ và người có thẻ BHYT sẽ được hưởng lợi ích rất nhiều từ việc này.

Về phía ngành y tế, bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, cùng với việc cải cách thủ tục, quy trình khám chữa bệnh, thông tuyến là quy định hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Còn Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho rằng, việc thông tuyến kỹ thuật, vừa tạo điều kiện cho người dân KCB, vừa giúp người dân có cơ hội được hưởng dịch vụ KCB tốt hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng giữa các bệnh viện. Các bệnh viện sẽ phải lo đầu tư cơ sở trang thiết bị, đào tạo triển khai kỹ thuật, thay đổi thái độ phục vụ, cắt giảm thủ tục hành chính gây phiền hà… để phục vụ người dân tốt hơn. Nhưng quan trọng hơn, đối với việc thực hiện chính sách BHYT, khi quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi hơn trong KCB BHYT, đây sẽ là động lực quan trọng để người dân tích cực tham gia BHYT.

Tuy nhiên, cùng với những tác động tích cực, bên cạnh đó việc thông tuyến cũng có một số tác động tới công tác thực hiện chính sách BHYT.

Tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí quý II/2016 vừa qua, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho biết, sau hơn bốn tháng thực hiện thông tuyến, số lượt KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện chưa có sự tăng đột biến. Trong khi số thẻ BHYT tăng 1,2% thì số lượng khám chữa bệnh tăng 5% (tương đương hơn 2 triệu lượt) so với cùng kỳ. Tại tuyến Trung ương, số lượt KCB bình quân chung không có sự thay đổi, nhưng số lượt khám trái tuyến giảm trong khi số lượt khám đúng tuyến tăng lên. Tại một số địa phương đã có tình trạng khám nhiều lần trong ngày, trong tuần. Một số phòng khám, bệnh viện tuyến huyện, nhất là một số bệnh viện tư nhân có sự gia tăng chi phí bất thường.

Đối với công tác quản lý quỹ BHYT, khó quản lý tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT do phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB chưa hoàn thiện, cho nên chưa có công cụ để quản lý việc người bệnh đi KCB nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các cơ sở KCB khác nhau. Đồng thời, khó thực hiện phương thức thanh toán theo định suất đang được triển khai hiện nay, do quy định quỹ định suất xác định cho các cơ sở KCB, bao gồm cả chi phí của bệnh nhân đăng ký KCB ban đầu tại đó đi KCB tại nơi khác. Điều này, dễ dẫn đến tình trạng quỹ KCB của một số cơ sở dễ bị bội chi lớn do tăng chi phí đa tuyến…

Cùng với đó, quy định này cũng sẽ ảnh hưởng tới công tác KCB, việc mở thông tuyến sẽ dẫn tới tình trạng người bệnh không qua tuyến xã (trạm y tế xã, phường) mà lên thẳng các bệnh viện huyện. Các trạm y tế xã sẽ không còn bệnh nhân đến KCB (trừ các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa), điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách tăng cường KCB tại y tế cơ sở. Đồng thời, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến huyện sẽ khó tránh khỏi do bệnh nhân được tự do lựa chọn nơi KCB. Các bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ cán bộ có trình độ nghề cao, sẽ có nguy cơ quá tải…

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cũng cho biết: Quy định thông tuyến đã giảm đáng kể phiền phức, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT. BHXH Việt Nam đang nhanh chóng tổ chức triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT, hoàn thành việc kết nối, liên thông dữ liệu với các cơ sở KCB trong tháng 6/2016. Khi hệ thống thông tin giám định BHYT hoạt động hiệu quả, thì dù bệnh nhân đi KCB ở bất cứ cơ sở y tế nào trên toàn quốc cũng được hệ thống ghi nhận và thông báo…

BHXH Việt Nam sẽ tập trung theo sát các biến động trong thực hiện các chính sách BHYT mới, nhằm tạo thuận lợi cho người thụ hưởng và việc quản lý quỹ BHYT.

Nguồn BHXH Việt Nam

Album ảnh hoạt động

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1