Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội: Tăng theo thời gian

11/05/2016 03:30 PM


Số đơn vị nợ bảo hiểm tăng nhanh


Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, câu chuyện DN nợ BHXH không còn mới, nhưng đến nay vẫn chưa có cách nào giải quyết triệt để. Đặc biệt, các DN nợ BHXH đang có xu hướng tăng nhanh. Cụ thể, năm 2012, các DN nợ hơn 45 tỷ đồng, năm 2013 tăng lên hơn 63 tỷ đồng, năm 2014 hơn 67 tỷ đồng, năm 2015 hơn 71 tỷ đồng và hiện nay tăng lên hơn 112 tỷ đồng. Những DN nợ BHXH kéo dài như: Công ty Cổ phần Vinalines Nha Trang nợ hơn 1,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 505 nợ hơn 2,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên nợ hơn 16 tỷ đồng…

 

 Doanh nghiệp bảo đảm quyền lợi, người lao động  mới yên tâm gắn bó lâu dài
Doanh nghiệp bảo đảm quyền lợi, người lao động mới yên tâm gắn bó lâu dài


Điều đáng nói, trong số đó, có đơn vị ăn nên làm ra vẫn cố tình nợ BHXH. Để thu nợ, hàng năm BHXH tỉnh đều phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đối thoại với DN, kiểm tra nhắc nhở, nhưng các DN này vẫn để nợ. Thậm chí, từ năm 2012 đến nay, BHXH tỉnh đã khởi kiện gần 200 DN nợ BHXH kéo dài ra tòa. Tuy nhiên, dù thắng kiện nhưng cũng chỉ có 50 DN trả nợ.


Theo ông Lê Hùng Chính, hiện nay có rất nhiều DN chấp nhận chịu xử phạt vài chục triệu đồng hơn là phải nộp BHXH. Khi cơ quan chức năng xuống kiểm tra, thanh tra, có nhiều DN đối phó trả nợ theo kiểu nhỏ giọt rồi lại tiếp tục nợ. Bên cạnh đó, do mức lãi suất chậm đóng thấp, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; đội ngũ cán bộ làm công tác thu hồi nợ còn mỏng; sự thiếu trách nhiệm, cố tình vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động; sự buông lỏng quản lý, thiếu thanh tra, kiểm tra thường xuyên cũng là kẽ hở cho các DN. Các DN đều thực hiện tương đối tốt về việc đóng bảo hiểm y tế để qua mắt NLĐ.


Doanh nghiệp kêu gặp khó


Ông Trần Hữu An - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần May Gió Mới (Khu công nghiệp Bình Tân, TP. Nha Trang) cho biết, thực chất công ty không muốn nợ BHXH của NLĐ để làm ảnh hưởng đến uy tín của DN, nhưng do từ năm 2015 đến nay, hoạt động kinh doanh của đơn vị rơi vào khó khăn, phía đối tác Hàn Quốc không nhập hàng nên sản phẩm làm ra bị tồn kho, dẫn đến thua lỗ. Chính vì rơi vào khó khăn nên buộc công ty phải nợ BHXH của NLĐ đến nay đã hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty đành phải cho NLĐ nghỉ chờ việc, từ 500 công nhân, đến nay đơn vị chỉ còn gần 100 công nhân; đồng thời phải chuyển sang gia công sản phẩm cho các đơn vị khác. “Chúng tôi đang cố gắng tìm hướng khôi phục và hiện đã có một số đối tác liên hệ trong tháng 6 tới sẽ đến ký hợp đồng với công ty. Khi hoạt động sản xuất ổn định trở lại, chúng tôi sẽ trả nợ và thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH đầy đủ cho NLĐ”, ông An nói.


Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 505 (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) cho biết, nguyên nhân khiến công ty nợ BHXH là do một số chủ đầu tư nợ tiền của đơn vị nhiều tỷ đồng. Bên cạnh đó, những năm qua, công ty làm ăn thua lỗ, nhiều giám đốc lên điều hành và đưa ra các giải pháp khắc phục nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Hiện nay, công ty đang xây dựng lộ trình đòi nợ và trả nợ BHXH. Do đó, BHXH nên tạo điều kiện cho công ty tháo gỡ khó khăn và từng bước trả nợ. Được biết, hiện nay, công ty này đang nợ BHXH hơn 2,8 tỷ đồng, với thời gian 58 tháng.    


Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số hàng nghìn DN đang nợ BHXH, có không ít DN do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh buộc phải ngừng hoạt động. Đa số DN này có quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản. “Đối với những DN này, BHXH tỉnh không xóa nợ mà chỉ khoanh nợ, không tính lãi chậm đóng. Đồng thời, báo cáo cấp trên tìm phương án xử lý theo hướng yêu cầu DN tuyên bố phá sản, thanh lý tài sản, trả nợ bảo hiểm”, ông Lê Hùng Chính cho hay.


Quyết tâm thu nợ

Để khắc phục tình trạng nợ BHXH kéo dài, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ triển khai đồng bộ những giải pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đồng thời đăng tải công khai những DN nợ bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập trung xác định nguyên nhân nợ, lập biên bản và yêu cầu đơn vị trả nợ; đề nghị thanh tra lao động và lập tổ liên ngành đến tận đơn vị để thu nợ, xử lý nghiêm những đơn vị cố tình nợ đọng…

Đặc biệt, kể từ tháng 6-2016, cơ quan BHXH có chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với những DN nợ bảo hiểm kéo dài. Đồng thời, áp dụng biện pháp buộc trích nộp tiền từ tài khoản của người sử dụng lao động vào quỹ BHXH theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành... Bên cạnh đó, theo quy định mới của Luật BHXH, kể từ ngày 1-1-2016, số tiền lãi chậm đóng sau 30 ngày sẽ tăng lên 1,065%/tháng (trước đây chỉ có 0,628%/tháng). Điều này buộc các DN phải lo trả nợ, nếu không lãi mẹ sẽ đẻ lãi con.
 

Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: BHXH tỉnh cần phối hợp với các đơn vị chức năng đưa ra giải pháp hợp lý để thu hồi nợ. Đồng thời, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của DN xem họ vì sao lại nợ BHXH và làm rõ khả năng, thời gian trả nợ của DN. Đối với những đơn vị thực sự khó khăn, chúng ta cũng nên chia sẻ với họ, tạo điều kiện cho DN vượt khó, từng bước trả nợ. Đối với những DN cố tình chây ỳ, nợ dai dẳng cần cương quyết xử lý để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. 






 

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Album ảnh hoạt động

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1