Cơ sở khoa học xây dựng Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045

21/01/2022 03:35 PM


Vừa qua, BHXH Việt Nam tổ chức Hội đồng nghiệm thu Đề án nghiên cứu khoa học Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; cùng sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý về an sinh xã hội.

Đề án nghiên cứu khoa học Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do TS.Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam làm Chủ nhiệm. Được tổng hợp từ 95 chuyên đề chuyên môn từ 21 đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và 21 BHXH tỉnh, thành phố, nội dung Đề án tập trung làm rõ cơ sở lý luận xây dựng Chiến lược phát triển BHXH Việt Nam; kết quả thực hiện Chiến lược phát triển BHXH Việt Nam đến năm 2020.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các nội dung cơ bản để xây dựng Chiến lược phát triển BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bao gồm các mục tiêu, giải pháp ở 9 nhóm lĩnh vực chính: Phát triển người tham gia BHXH, BHYT; kiểm soát chặt chẽ, minh bạch tài chính quỹ; đầu tư các quỹ an toàn, bền vững, hiệu quả; cải thiện nâng cao chất lượng phục vụ; đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông; kiện toàn tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường, mở rộng hệ thống CNTT; phát triển nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng; hội nhập và hợp tác quốc tế.

TS.Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ nhiệm Đề án đã trình bày, làm rõ hơn quá trình nghiên cứu, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu xác định mục tiêu dài hạn, cùng với đó là các giải pháp đồng bộ, có tính khả thi trên diện rộng, đồng thời bám sát các định hướng trong các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội và phát triển BHXH, BHYT.

ThS.Trần Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH)- Phản biện 1, đã đánh giá cao nội dung Đề án nghiên cứu khoa học xây dựng Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo ThS.Trần Hải Nam, hệ thống số liệu trong Đề án phong phú, đa dạng, cập nhật từ BHXH 63 tỉnh, thành phố; các giải pháp được xây dựng có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, ông Nam cho rằng, cần đánh giá sâu hơn các khó khăn, thách thức, phân tích rõ các nguyên nhân hạn chế đang còn tồn tại, đánh giá năng lực nội tại cơ quan BHXH, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng Chiến lược giai đoạn tiếp theo.

Nhấn mạnh tính cấp thiết về sự tập trung nguồn lực, tạo sự đột phá trong tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, ông Nam đề nghị cần bám sát các nội dung mới trong quá trình sửa Luật BHXH, qua đó cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển mới của ngành BHXH, nhất là các vấn đề liên quan đến triển khai BHXH đa tầng, BH hưu trí bổ sung…; từ đó xác định các mục tiêu, giải pháp bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, cần tham khảo mô hình tổ chức BHXH, BHYT tại các quốc gia để xây dựng được một hệ thống tổ chức mạnh, hiệu quả hơn, nhất là việc đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ; nâng cao hiệu quả truyền thông đến nhóm đối tượng tiềm năng trên cơ sở quản lý, phân tích dữ liệu đối tượng tham gia kết hợp với dữ liệu dân cư.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, Chủ nhiệm Đề án trình bày đề án

TS.Trần Thị Mai Oanh- Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế đề nghị cần bổ sung thêm tổng quan kinh nghiệm quốc tế. Bên cạnh đó, khai thác tối đa hệ thống dữ liệu sẵn có của cơ quan BHXH để xây dựng Chiến lược. Theo đó, phân tích sâu hơn dữ liệu nhóm đang tham gia, xác định khoảng trống, đặc điểm nhóm chưa tham gia, từ đó có biện pháp linh hoạt, trọng tâm, trong điểm thu hút phù hợp, khả thi hơn.

TS.Chu Đức Nhuận- Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã (Văn phòng Chính phủ), Ủy viên Hội đồng nghiệm thu cho rằng, xây dựng cơ sở khoa học để xây dựng chính sách là rất quan trọng. Việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành BHXH được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học là rất đúng đắn.

Đánh giá sâu về tầm nhìn của Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam, ông Nhuận đặc biệt lưu ý đến bối cảnh già hóa dân số và đại dịch Covid-19, những yếu tố dễ tạo ra “cú sốc” rất lớn với kinh tế và cả an sinh xã hội. Chính vì vậy, cần phải có giải pháp mạnh mẽ hơn, mang tính đột phá trong Chiến lược trong giai đoạn tới với rất nhiều thách thức.

Đơn cử như: Với phát triển BHYT, còn khoảng 10% chưa tham gia- đây là nhóm khó nhất để tăng trưởng, nếu không có giải pháp mang tính thực tiễn cao sẽ rất khó. Các giải pháp đột phá chắc chắn sẽ cần đến các ý tưởng mới, vì vậy cần nghiên cứu kỹ, sâu hơn, rõ các luận cứ, luận chứng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và yêu cầu từ thực tiễn trong nước.

Đánh giá về kết quả nghiên cứu của Đề án, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh- Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao khối lượng, chất lượng công việc đã được hoàn thành với sự cố gắng rất lớn của nhóm nghiên cứu.

Trên cơ sở các ý kiến của thành viên Hội đồng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện; chú trọng vào việc bổ sung, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, các giải pháp phân tích dữ liệu, xác định nhóm đối tượng tiềm năng… Trên cơ sở đó, xây dựng các mục tiêu, giải pháp có tính khả thi cao, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. "Đây sẽ là cơ sở có tính khoa học để BHXH Việt Nam xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045"- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Hội đồng nghiệm thu cũng đã bỏ phiếu đánh giá và nhất trí nghiệm thu Đề án. 

https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat-dong-he-thong-bao-hiem-xa-hoi.aspx?CateID=52&ItemID=17943

  • TIN BÀI LIÊN QUAN

Album ảnh hoạt động

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1