Tập trung xây dựng Luật và giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT

14/02/2022 01:30 AM


Năm 2022, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp tục bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ theo phân công của Quốc hội, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng pháp luật liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Chia sẻ những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, với tinh thần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, Ủy ban Xã hội đã nỗ lực trong việc thẩm tra các dự án luật theo quy định. Đặc biệt, năm 2021 là năm thứ 2 kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, ngay khi Chính phủ có Tờ trình số 260/TTr-CP và Tờ trình số 262/TTr-CP đề xuất một số biện pháp phòng chống dịch, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với một số Ủy ban của Quốc hội thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội và các Ủy ban của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 30/2021/QH15, trong đó yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát tốt dịch Covid-19. Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ để thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sớm tạo nguồn vắc-xin tiêm phòng cho toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng. Cụ thể như các giải pháp về tài chính, kinh tế, an sinh xã hội, đặc biệt là các biện pháp về y tế được quan tâm rất lớn như “ngoại giao vắc-xin”, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu vắc-xin…; ban hành nhiều cơ chế, chính sách để đầu tư cho nguồn nhân lực, vật lực  phục vụ công tác phòng chống Covid-19.

Ngay sau đó, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng hỗ trợ đối với NLĐ không có giao kết HĐLĐ (tức NLĐ tự do) và một số đối tượng đặc thù khác. Sau khi được triển khai, cả nước có hàng chục triệu người dân được thụ hưởng chính sách. Sau đó, Nghị quyết 03/2021/UBThường vụ Quốc hội15 về chính sách hỗ trợ NLĐ, chủ SDLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ quỹ BH thất nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại 2 phiên họp khẩn và gần như ngay lập tức đi vào cuộc sống, được DN, NLĐ, người dân đồng tình, đánh giá cao.

Gói hỗ trợ trị giá 38.000 tỷ đồng được hoàn thành trong vòng 1,5 tháng. Việc triển khai gói hỗ trợ này đã giúp DN đỡ được một phần chi phí; còn NLĐ cũng thêm khoản hỗ trợ cho cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh. “Đến nay, cả nước có gần 13 triệu NLĐ được hưởng hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp. NLĐ và chủ SDLĐ đều rất phấn khởi, vì các gói hỗ trợ đến đúng lúc khó khăn, giúp đơn vị có thêm kinh phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, NLĐ có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Qua đó, thể hiện rõ tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BH thất nghiệp và đã củng cố thêm niềm tin của NLĐ vào chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước”- bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định.

  Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh (nguồn: Internet)

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Do đó, trong lĩnh vực y tế cũng như các lĩnh vực khác của đời sống sẽ cần có những chuyển biến mạnh mẽ. Trong trong nhiệm kỳ khóa XIV, Ủy ban Xã hội đã tiến hành xây dựng, hoàn thành, báo cáo với Đảng đoàn Quốc hội khóa XIV “Đề án việc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về chính sách xã hội và các nhiệm vụ tiếp tục đặt ra trong thời gian tới”. Đây là sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của Ủy ban Xã hội và cùng với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ủy ban đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ của Ủy ban trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trong công tác lập pháp, quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013 trong công tác hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật. Đặc biệt, chú trọng việc thực hiện chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thụ hưởng phúc lợi xã hội toàn diện. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện việc tổng kết thực hiện một số Luật như: Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật KCB, Luật BHYT…

Bên cạnh đó, tiến hành thực hiện giám sát chuyên đề, khảo sát việc thực hiện Luật KCB, Luật BHYT, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… “Đồng thời, gắn kết hoạt động giám sát, khảo sát với hoạt động lập pháp, chuyển trọng tâm từ ưu tiên xây dựng pháp luật sang đẩy mạnh tổ chức thực thi pháp luật, kịp thời phát hiện, kiến nghị, đề xuất những quy định của luật, pháp lệnh không phù hợp để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Chủ động giám sát, khảo sát, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong xã hội, kịp thời đề xuất cải cách thể chế chính sách, giải pháp giải quyết, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”- bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat-dong-he-thong-bao-hiem-xa-hoi.aspx?CateID=52&ItemID=18070