Cần phân rõ từng loại nợ BHXH để có giải pháp phù hợp

30/06/2021 08:51 AM


Ngày 29/6, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra Báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020.

Tham dự Phiên họp có lãnh đạo Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, đại diện BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính cùng các thành viên uỷ ban...

Phát triển nhanh số người tham gia BHXH

Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên trong năm 2020 số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương nên kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp tiếp tục giữ được đà tăng, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã đạt 1,1 triệu người chiếm hơn 2% lực lượng lao động trong độ tuổi - vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Toàn cảnh phiên họp

Cụ thể, tính đến 31/12/2020, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15.033.644 người, chiếm 31,12%, giảm 170.392 người so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lao động tham gia trong khu vực HCSN, Đảng, Đoàn thể, Lực lượng vũ trang là 3.610.432 người, giảm 2,25% so với năm 2019, chiếm 24,02% số người tham gia. Lao động tham gia trong khu vực DNNN là 918.449 người, giảm 4,63% so với năm 2019, chiếm 6,11% số người tham gia. Lao động tham gia trong khu vực FDI là 4.655.586 người, giảm 0,95% so với năm 2019, chiếm 30,97% số người tham gia. Lao động tham gia trong khu vực DN NQD là 5.287.046 người, tăng 1,05% so với năm 2019, chiếm 35,17% số người tham gia.

Cùng với đó, ông Nguyễn Bá Hoan cũng cho biết, số đơn vị tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020 vẫn tăng so với năm 2019. Số đơn vị tăng lên chủ yếu ở khu vực DN NQD, thuộc doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, mặc dù số đơn vị tham gia tăng so với năm 2019 lên nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc vẫn bị giảm so với năm 2019. “Năm 2020, có 554.018 đơn vị tham gia BHXH bắt buộc, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, số đơn vị ở các khu vực đều giảm so với năm trước thì số đơn vị tham gia trong khu vực DN NQD là 375.972 đơn vị, tăng 7,29% so với năm 2019, chiếm 67,85% số đơn vị tham gia”- ông Hoan khẳng định.

Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, đến năm 2021 có 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH nên để phấn đấu đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2020 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán NSNN năm 2020 đã đặt ra chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH là tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 33,5%. Tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng số người tham gia BHXH là 16.161.789 người, đạt chỉ tiêu đặt ra của năm 2020, bằng 95,71% so với chỉ tiêu của năm 2021.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại phiên họp

Tăng cường công tác thanh kiểm tra, thu hồi nợ đọng

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, đến 31/12/2020 tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với năm 2019, tương đương mức tăng 15,5% so với năm 2019, chiếm 4,2% số phải thu (nợ lãi 3.017 tỷ đồng). Trong đó, khu vực HCSN chậm đóng BHXH là 245 tỷ đồng, chiếm 2,83% tổng số tiền chậm đóng. Khu vực DNNN số tiền chậm đóng BHXH là 1.161 tỷ đồng, tăng 50,22% so với năm 2019, chiếm 13,43% tổng số tiền chậm đóng. Khu vực DN FDI số tiền chậm đóng BHXH là 868 tỷ đồng, tăng 1,47% so với năm 2019, chiếm 10,04% tổng số tiền chậm đóng. Khu vực DN NQD còn chậm đóng BHXH 6.146 tỷ đồng, tăng 14,69% so với năm 2019, chiếm 71,06% tổng số tiền chậm đóng. Như vậy, trong năm 2020, tình hình chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng. “Tuy nhiên, năm 2020 ghi nhận sự gia tăng nhanh đóng số tiền chậm đóng BHXH ở khu vực DNNN với mức tăng số tiền chậm đóng lên đến hơn 50% so với năm 2019. Phân tích theo thời gian chậm đóng thì số chậm đóng tập trung ở nhóm chậm đóng từ 1 tháng đến dưới 6 tháng với tỷ trọng 18,81%; nhóm chậm đóng từ 3 năm trở lên với tỷ trọng 34,4% và lãi chậm đóng với tỷ trọng 25,86%. Trong nhóm chậm từ 3 năm trở lên thì chủ yếu là chậm đóng từ 4 năm, 5 năm trở lên với tỷ trọng 92,12%”- ông Hoan cho biết.

Trong năm 2020, toàn quốc đã tiến hành 8.6195 cuộc thanh kiểm tra về BHXH. Trong đó, có 2.903 cuộc thanh tra tại 4.448 đơn vị SDLĐ; 4.568 cuộc kiểm tra tại 6.051 đơn vị; 1.148 cuộc thanh kiểm tra liên ngành tại 1.367 đơn vị. Qua thanh kiểm tra đã đề nghị 11.185 NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 80 tỷ đồng; 24.086 NLĐ đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 68 tỷ đồng; số tiền các đơn vị SDLĐ được thanh tra nợ trước khi có Quyết định là 1.971 tỷ đồng và các đơn vị đã nộp là 1.443 tỷ đồng… Đặc biệt, tỷ lệ số tiền chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp trên số phải thu có xu hướng giảm trong dần trong giai đoạn 2016- 2019.

Cho ý kiến tại Phiên họp, ông Nguyễn Hoàng Mai- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, năm 2020 số nợ BHXH bắt buộc là 11.660 tỷ đồng, tăng so với 2019 và số nợ phải tính lãi lên đến 3.017 tỷ- đây là điều đáng báo động. Do đó, trong tổng số nợ BHXH này sẽ phân ra nhiều loại nợ nên Chính phủ cần phân rõ từng loại nợ BHXH ra, loại nợ BHXH nào do chây ỳ, nợ BHXH nào do ảnh hưởng dịch Covid-19 (nợ trước và sau dịch), nợ của khối DN phá sản, giải thể... để có giải pháp phù hợp.

“Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy số nợ tăng nhưng không xử lý hình sự được do việc thu thập hồ sơ gặp nhiều khó khăn, một số cơ quan điều tra yêu cầu cơ quan BHXH cung cấp hồ sơ ngoài tầm quản lý... Vậy tại sao cơ quan điều tra lại bắt buộc BHXH phải cung cấp trong khi những việc này cơ quan điều tra yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp”- ông Nguyễn Hoàng Mai đánh giá.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã tiếp thu các ý kiến của các đại biểu và sẽ có báo cáo cung cấp thêm thông tin. Những vấn đề liên quan cơ chế chính sách, BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp triển khai, đánh giá tác động của Luật BHXH cũng như những vướng mắc để sớm hoàn thiện các quy định pháp luật.

Cũng theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, mặc dù năm 2020 khó khăn do dịch bệnh thiên tai nhưng BHXH Việt Nam đã phối hợp các ngành, các cấp ủy chính quyền địa phương, từ tỉnh đến thôn bản để thực hiện các nhiệm vụ và Nghị quyết về mở rộng bao phủ BHXH tự nguyện. Chính nhờ sự vào cuộc chặt chẽ của các cơ quan nên số người tham gia BHXH tự nguyện đã gấp đôi năm 2019. Cùng với đó, công tác thu BHXH đều đạt và vượt dự toán Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ 2019. Đến 30/6/2021, số thu BHXH cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020.

“Trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh như vậy, số thu tăng là do cơ quan BHXH đã quyết liệt trong công tác thu hồi nợ BHXH; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát ngay từ khi chưa phát sinh số nợ; cán bộ BHXH các cấp đã chủ động đôn đốc thu hồi nợ tại các đơn vị phát sinh. Đặc biệt, nhờ ứng dụng CNTT, nhất là từ khi triển khai BHXH số VssID, NLĐ tự giám sát quá trình đóng của chủ SDLĐ nên đã phát hiện đơn vị nợ BHXH và đã thu hồi được hàng tỷ đồng do NLĐ giám sát, cùng cơ quan BHXH đòi nợ BHXH (mỗi đơn vị vài tỷ đồng). Mặt khác, số nợ năm 2020 là hơn 11.000 tỷ đồng, dù tăng nhẹ số tuyệt đối so với năm 2019, nhưng số tương đối lại giảm. Trong điều kiện như vậy chúng tôi phân tích tuổi nợ từ dưới 1 tháng; từ 1 tháng đến 5 năm và trên 5 năm- đây là điểm sáng trong thu hồi nợ. Từ việc phân loại nợ, chúng tôi phân tích các đối tượng nợ. Trong số nợ đó thì có trên 1.200 tỷ là nợ của các DN đã phá sản, giải thể và đồng thời không có địa chỉ kinh doanh- có phương án đòi nợ hiệu quả. Ứng dụng mạnh mẽ CNTT để xây dựng các tiêu chí nợ, nợ chây ỳ trốn đóng để có cảnh báo, phân tích đôn đốc kiến nghị và vẫn đảm bảo theo Chỉ thị của Thủ tướng...”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.

Hoàn thiện chính sách để đảm bảo quyền lợi NLĐ

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, có khoảng 163.000 đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT; 241.000 đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia đầy đủ BHXH, BHYT cho NLĐ và tập trung chủ yếu ở khối DN NQD có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với số lao động, cá nhân có thu nhập cần phải rà soát khoảng trên 3 triệu người (số liệu cơ quan Thuế cung cấp khoảng 18 triệu lao động và cá nhân có thu nhập chịu thuế nhưng cơ quan BHXH đang quản lý thu BHXH, BHYT bắt buộc trên 15 triệu người). Cơ quan BHXH đang tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan điều tra, rà soát để xác định số doanh nghiệp, số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trong số 163.000 tổ chức, cá nhân trả thu nhập và 3 triệu cá nhân có thu nhập nêu trên. Ước có khoảng từ 500.000 đến 800.000 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi NLĐ, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia cho NLĐ. Đồng thời, kết nối thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành liên quan để quản lý được đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, thành lập mới; NLĐ đang làm việc, thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Thực hiện thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp đang cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH; chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp. Đồng thời, UBND các tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương thực hiện các giải pháp quản lý được số doanh nghiệp đang hoạt động, số lao động đang làm việc và số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tính tuân thủ trong tham gia BHXH bắt buộc, yêu cầu doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc đầy đủ cho NLĐ.

Cho ý kiến về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cho biết, ngoài các nguyên nhân Báo cáo Chính phủ nêu thì việc không chấp hành pháp luật BHXH tại một số đơn vị là do sự phối hợp giữa cơ quan thực thi nhiệm vụ còn chưa rõ nét. Cùng với đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính còn thấp, thiếu tính răn đe, mức tối đa xử phạt vi phạm về đóng nộp BHXH là 75 triệu đồng nên nhiều DN sẵn sàng chấp nhận phạt để chiếm dụng.

“Chế tài quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH còn định tính dẫn đến cách hiểu khác nhau. Vì vậy, trên thực tế cơ quan BHXH và công đoàn chuyển nhiều hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng cơ quan điều tra chưa khởi tố được vụ nào theo Điều 216 Bộ luật Hình sự. Do đó, cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện trong tố tụng, tạo cơ sở để công đoàn cấp trên đại diện NLĐ khởi kiện được đơn vị nợ đọng BHXH”- bà Ý đề xuất.

Liên quan đến vấn đề sửa đổi quy định, ông Nguyễn Bá Hoan cho biết, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang trong quá trình tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thiện Hồ sơ dự án đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ vào quý IV/2021 để trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023. Những nội dung vướng mắc sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để hoàn chỉnh…

https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat-dong-he-thong-bao-hiem-xa-hoi.aspx?ItemID=16873&CateID=52

  • TIN BÀI LIÊN QUAN