Giảm tải trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

23/10/2019 08:41 AM


Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện chế độ khám, chữa bệnh (KCB) BHYT đúng quy định.

Ảnh minh họa. Ảnh: Bảo Anh.
 

Cụ thể, đối với các cơ sở KCB BHYT, nhất là các trạm y tế tuyến xã, trong KCB ngoại trú đối với những bệnh cần chữa trị dài ngày (bệnh mạn tính) để giảm tải trong KCB, không gây phiền hà cho người bệnh phải đi lại nhiều lần, đề nghị cơ sở KCB thực hiện kê đơn thuốc theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế hoặc kê đơn đối với số lượng thuốc sử dụng tối đa 30 ngày. Trong điều kiện nguồn kinh phí KCB BHYT có hạn, nếu các cơ sở KCB không chấn chỉnh, cơ quan BHXH sẽ xem xét đây là nguyên nhân chủ quan dẫn đến vượt nguồn kinh phí KCB BHYT được giao năm 2019.

Đối với cơ quan BHXH, yêu cầu trưởng phòng giám định BHYT, giám đốc BHXH huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ làm công tác giám định tăng cường giám sát, phối hợp với cơ sở KCB BHYT nghiêm túc thực hiện nội dung đã nêu trên…

Được biết, theo thống kê trên Hệ thống thông tin giám định BHYT, năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 3.044.063 lượt người KCB BHYT với tần suất 2,89 lượt người/năm, quá cao so với tần suất KCB bình quân chung của toàn quốc là 2,24 lượt/người/năm. Riêng 8 tháng năm 2019, đã có 2.033.885 lượt người KCB BHYT, tần suất 1,85 lượt/người/8 tháng, cao hơn nhiều so với tần suất bình quân chung của toàn quốc là 1,42 lượt người/8 tháng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tần suất KCB BHYT quá cao là số lượng KCB BHYT của bệnh nhân mạn tính tại Khánh Hòa quá cao. Trong khi đó, một số cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh, nhất là các trạm y tế tuyến xã đã kê đơn với số lượng thuốc sử dụng quá ngắn ngày cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính (kể cả những bệnh nhân đã điều trị ổn định). Qua đợt kiểm tra đầu năm 2019, BHXH tỉnh nhận thấy, đại đa số các trạm y tế tuyến xã đã khám và cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường… chỉ có 7 - 10 ngày. Việc cấp thuốc quá ngắn ngày cho các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính làm tần suất cũng như số lượt KCB quá cao dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở KCB, ảnh hưởng đến chất lượng KCB cũng như gây khó khăn cho người bệnh vì phải đi lại, chờ đợi nhiều lần, tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của họ, đồng thời tác động xấu đến việc cân đối dự toán chi KCB BHYT của các cơ sở KCB.

Nguồn: Cổng TTĐT Khánh Hòa