Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT Quý I/2016

31/03/2016 03:48 PM



 
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 2/2016, tổng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 68,6 triệu người; Tổng số thu là 25.888 tỷ đồng; Tổng số nợ là 15.252 tỷ đồng, chiếm 7% số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theokế hoạch giao. Ước thực hiện hết quý I/2016: Tổng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 70,65 triệu người; Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 45.826 tỷ đồng; Tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 9,9 tỷ đồng, chiếm 4,5% số phải thu.

Nhiều tác động tích cực đối với người có thẻ BHYT

Thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí về vấn đề thông tuyến và điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ông Phạm Lương Sơn – Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, qua hơn 2 tháng thực hiện, quy định về thông tuyến đã có những tác động nhất định đến người có thẻ BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh và quỹ BHYT. Đối với người có thẻ BHYT, đã thuận lợi hơn rất nhiều khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện. Các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được khám, chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương đương tuyến huyện. Quy định thông tuyến còn thúc đẩy chất lượng khám, chữa bệnh tăng lên để thu hút người bệnh và như vậy, người có thẻ BHYT được hưởng lợi từ việc này. Quy định thông tuyến buộc các cơ sở khám, chữa bệnh phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ tạo và như vậy cơ sở khám, chữa bệnh đã tạo nên lợi ích kép từ việc này. Đối với chính sách BHYT, khi quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi trong khám, chữa bệnh BHYT là động lực quan trọng để người dân tham gia BHYT. 

Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn cũng nhận định, việc thông tuyến KCB BHYT cũng có những tác động không mong muốn, đòi hỏi yêu cầu quản lý ngày càng chặt chẽ hơn như: Hiện nay, phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB chưa hoàn thiện nên chưa có công cụ để quản lý việc người bệnh đi KCB nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các cơ sở KCB khác nhau dẫn đến khó quản lý tình trạng lạm dụng quỹ BHYT. Qua theo dõi 2 tháng thực hiện thông tuyến, số lượt KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện chưa tăng đột biến do quy định mới và thời điểm áp dụng trùng với thời gian Tết âm lịch. Tuy nhiên, theo nhận định chung, số lượt khám, chữa bệnh tại tuyến huyện sẽ tăng mạnh. Cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tính cả lương và phụ cấp, đây sẽ là tác động kép làm gia tăng chi phí KCB BHYT.  

Bên cạnh đó, việc thông tuyến KCB BHYT cũng có ít nhiều ảnh hưởng tới công tác KCB. Cụ thể, việc người bệnh không qua tuyến xã, phường mà lên thẳng các bệnh viện huyện dẫn đến các trạm y tế xã sẽ ít bệnh nhân đến KCB trừ các Trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến huyện nhất là ở các bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tay nghề cao. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế như tăng cung quá mức dịch vụ y tế để tăng chi phí KCB thu được và thu hút người bệnh có thể sẽ diễn ra.

Về thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc có hiệu lực từ ngày 01/3/2016; Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các Vụ, Cục chức năng của Bộ Y tế, Bộ Tài chính để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế ký ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, theo đề nghị của Bộ Y tế, các Ban chuyên môn nghiệp vụ của BHXH Việt Nam đã phối hợp với các Vụ, Cục chức năng của Bộ Y tế tổ chức rà soát dự thảo danh mục các dịch vụ kỹ thuật được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện để làm căn cứ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT như quy định tại Điều 4 của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC. Đến ngày 21/03/2016, Ban Thực hiện chính sách BHYT đã tiến hành rà soát 11.002 dịch vụ thuộc 28 chuyên khoa; đã thống nhất xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí của 5.650 dịch vụ. Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định quy định các dịch vụ kỹ thuật được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí của 1389 dịch vụ của 06 chuyên ngành và đang tiếp tục hoàn thiện để ban hành danh mục tương đương của 12 chuyên ngành tiếp theo với gần 2.500 dịch vụ kỹ thuật. 

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ đưa vào áp dụng phần mềm giám định điện tử để giám sát chi phí khám chữa bệnh; phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện giá dịch vụ KCB BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời sẽ chỉ đạo cơ quan BHXH các tỉnh phối hợp với thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố để thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện giá dịch vụ y tế mới, bảo đảm việc cung cấp DVYT được thực hiện đúng theo quy định đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT.

Nỗ lực triển khai các quy định của Luật BHXH năm 2014

Tại Hội nghị, Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Trần Đình Liệu cho biết, BHXH Việt Nam chủ động, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các công việc chuẩn bị triển khai thực hiện Luật BHXH năm 2014 và các chế độ, chính sách mới về BHYT, BHthất nghiệp. BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ; tổ chức tập huấn, triển khai đến BHXH tỉnh, thành phố; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật BHXH; hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật BHXH; Triển khai lập danh sách người tham gia BHYT, xây dựng cơ sở dữ liệu công dân phục vụ quản lý thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Xây dựng quy trình quản lý thu; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 thay thế quy trình quản lý thu; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT tại Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của BHXH Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức thực hiện công tác thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; xây dựng phần mềm đáp ứng được yêu cầu quản lý; bãi bỏ một số thủ tục hồ sơ, mẫu biểu đơn giản phù hợp với giao dịch điện tử trong việc kê khai đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật BHXH (năm 2014) vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH chậm ban hành. Ông Trần Đình Liệu cho biết, Luật BHXH có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016 nhưng đến 11/11/2015 mới ban hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật về BHXH bắt buộc, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP hướng dẫn về BHXH tự nguyện ngày 29/12/2015; Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện BHXH bắt buộc ngày 29/12/2015; đến nay chưa có Thông tư hướng dẫn về BHXH tự nguyện, Nghị định về BHXH trong lực lượng vũ trang, Nghị định về thanh tra chuyên ngành về thu BHXH, BHYT… Ngoài ra, các văn bản có liên quan về tiền lương khu vực doanh nghiệp theo quy định của Bộ Luật Lao động cũng chậm được ban hành … Doanh nghiệp chưa triển khai kịp thời các quy định mới của Bộ luật Lao động về tiền lương để làm căn cứ thu BHXH theo quy định của Luật BHXH sửa đổi; Tình trạng nợ đóng, chậm đóng của các doanh nghiệp diễn ra phổ biến ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người lao động trong khi pháp luật về BHXH chưa quy định cơ chế xử lý nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đặc biệt với những khoản nợ không có khả năng thu hồi của doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động do chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích chưa được xử lý, ảnh hưởng đến quyền lợi về BHXH của người lao động…
 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương khẳng định, trong thời gian vừa qua, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao. Số đối tượng tham gia BHXH tăng, số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tăng, số lượng giải quyết chế độ BHXH cho người lao động tăng… Tuy nhiên, báo động là số nợ tăng, chiếm 7% số phải thu trong khi tội danh này đã được đưa vào Bộ Luật Hình sự. 

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nói riêng và người dân nói chung, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí cùng với ngành BHXH tập trung tuyên truyền một số vấn đề: Về thông tuyến khám chữa bệnh, bắt đầu áp dụng từ 01/01/2016 với nhiều quyền lợi thiết thực cho người dân; Về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế hướng tới minh bạch tài chính của bệnh viện, định hướng về tính nhân văn của chính sách BHYT xã hội…; Tuyên truyền để các cơ sở y tế tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh; Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Về quyền và nghĩa vụ của người lao động trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương mong muốn, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đồng hành cùng ngành BHXH để mang lại quyền lợi cao nhất cho người lao động, người dân, hướng tới BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân./.

Nguồn BHXH Việt Nam

  • TIN BÀI LIÊN QUAN