Khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật BHXH: Tổ chức Công đoàn khẩn trương vào cuộc

09/06/2016 05:08 PM


 
Cụ thể tại điểm d, khoản 1, Điều 14 Quyền của tổ chức công đoàn có quy định “Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn”. Để đưa quy định của luật đi vào cuộc sống, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp về BHXH, BHYT của người lao động, tổ chức công đoàn các cấp đang khẩn trương vào cuộc – đó là những chia sẻ của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính, Ủy viên Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH.

mdChinh 300914.jpg
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính

Luật BHXH 2014 bổ sung nhiều quyền của tổ chức công đoàn nhằm tăng cường vai trò công đoàn các cấp trong bảo vệ quyền lợi BHXH, BHYT của người lao động, trong đó có quyền đại diện người lao động khởi kiện ra Tòa với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH. Xin đồng chí cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có chuẩn bị như thế nào để triển khai nội dung công tác này đạt hiệu quả?

Đồng chí Mai Đức Chính: Chính sách BHXH giữ vị trí quan trọng, trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu người lao động. Tổ chức Công đoàn Việt Nam với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động luôn chủ động trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH; Huy động và phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau để cùng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH để mọi công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tham gia BHXH được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ BHXH.

Để thực hiện quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 14 Luật BHXH 2014 về Quyền của tổ chức công đoàn “Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phổ biến các quy định mới của pháp luật về BHXH tới cán bộ công đoàn các cấp; đồng thời tuyên truyền để người lao động, đoàn viên công đoàn nắm bắt và hiểu được các quy định liên quan đến chính sách hiện hành của Nhà nước về BHXH.

Tổ chức các hội nghị, các khóa tập huấn để trang bị cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp về kỹ năng, phương pháp tham gia khởi kiện, quy trình tố tụng…; xây dựng tài liệu hướng dẫn quy trình Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể nói chung, khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH nói riêng.

Ngay sau khi Luật BHXH 2014 được Quốc hội thông qua (Luật số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT giai đoạn 2015-2020; theo đó BHXH Việt Nam các cấp sẽ cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho tổ chức Công đoàn trong việc khởi kiện ra Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; đồng thời tranh thủ kinh nghiệm của BHXH các cấp trong khởi kiện các vụ, việc về BHXH.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao ký Chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các bên theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao sẽ hỗ trợ các cấp công đoàn trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực và kỹ năng tham gia tố tụng về pháp luật lao động, BHXH… cho đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác pháp luật.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch để cử các cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về Luật tham gia các khóa đào tạo kỹ năng nghề Luật sư tại Học viện Tư pháp để sẵn sàng, chủ động trong việc khởi kiện các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Trên thực tế 09 năm thực hiện Luật BHXH 2006, do chưa có quy định cụ thể về chủ thể có quyền khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật BHXH nên cơ quan BHXH đã triển khai công tác này, một mặt bảo vệ quyền lợi cho người lao động, một mặt chống thất thu, giảm nợ đọng BHXH. Song song với đó, một số tổ chức công đoàn ở các địa phương cũng thực hiện việc khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật BHXH với tư cách là tổ chức đại diện cho người lao động. Xin đồng chí cho biết những thuận lợi và khó khăn khi tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ mới này?

Đồng chí Mai Đức Chính: Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động vẫn diễn ra với số nợ lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của hàng trăm ngàn người lao động. Từ năm 2006 đến nay, trước thực trạng doanh nghiệp vi phạm BHXH và nợ BHXH kéo dài một số Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã phối hợp với cơ quan BHXH hoặc trực tiếp khởi kiện hoặc hướng dẫn người lao động lập hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra Tòa án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Luật BHXH 2014 quy định quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động của tổ chức Công đoàn. Với nhiệm vụ mới này, các cấp công đoàn đã chủ động để thực hiện quyền của mình với những thuận lợi và khó khăn phía trước.

Bằng chế định mới này, pháp luật đã quy định rõ quyền khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH cho tổ chức Công đoàn; do đó các cấp công đoàn đầy đủ tư cách pháp lý để chủ động trong khởi kiện các chủ thể vi phạm và tham gia vào quá trình tố tụng. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự 2015 được Quốc hội Khóa XIII thông qua đã quy định cụ thể các mức phạt tù đối với các hành vi trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN thay vì các biện pháp xử lý hành chính trước đây sẽ là cơ sở để ngăn ngừa, răn đe và xử lý các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; khi thực hiện quyền khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, các cấp Công đoàn sẽ nhận được sự quan tâm, đồng thuận, ủng hộ của đoàn viên công đoàn, người lao động và cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, khi thực hiện nhiệm vụ mới này tổ chức Công đoàn cũng đứng trước những khó khăn cơ bản, đó là: Số lượng cán bộ công đoàn có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về Luật sư ít; kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp khi tham gia tố tụng tại Tòa án nói chung, khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH nói riêng còn ít. Việc nắm bắt các thông tin, thu thập tài liệu, chứng cứ về tình hình nợ đọng, vi phạm pháp luật về BHXH (số doanh nghiệp, số người tham gia BHXH, số tiền doanh nghiệp nợ BHXH cũng như số lãi chậm đóng như cơ quan BHXH) nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc khởi kiện các chủ thể vi phạm của các cấp Công đoàn. Việc khởi kiện vẫn còn khó khăn về thủ tục và thời gian nộp hồ sơ, đặc biệt đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp sau khi Tòa án xử xong nhưng không có tài sản để thi hành án nên khoản nợ BHXH vẫn cứ “treo” và quyền lợi của người lao động vẫn không được giải quyết.

Xác định cho mình những thuận lợi và khó khăn cơ bản trên, tổ chức Công đoàn sẽ cố gắng để làm tốt vai trò và trách nhiệm này; góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, bảo vệ tốt hơn quyền lợi BHXH của người lao động.

Thực hiện Luật BHXH 2014, vừa qua Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 105/TANDTC ngày 14/4/2016 hướng dẫn thi hành Luật BHXH 2014, trong đó có nội dung “kể từ ngày 01/01/2016 Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động”. Vậy Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo như thế nào đối với tổ chức công đoàn các cấp về việc thực hiện quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp về BHXH cho người lao động?

Đồng chí Mai Đức Chính: Để thực hiện các quy định của Luật BHXH 2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường năng lực và vai trò của tổ chức công đoàn, nhất là cấp cơ sở trong việc đại diện tập thể người lao động tham gia xây dựng , ký kết thỏa ước lao động tập thể; hướng dẫn người lao động ký hợp đồng lao động bảo đảm đúng pháp luật về BXHH, BHYT; nâng cao trình độ và năng lực tư vấn pháp luật BHXH, BHYT cho cán bộ công đoàn. Tăng cường tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BXHH, BHYT. Nâng cao vai trò là thành viên Hội đồng quản lý BHXH trong việc quản lý Quỹ BHXH, BHYT, góp phần bảo đảm thu chi, đầu tư tăng trưởng Quỹ hiệu quả và an toàn theo quy định của pháp luật.

Sau khi Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 105/TANDTC ngày 14/4/2016, Tổng Liên đoàn cũng đã chỉ đạo các cấp công đoàn nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về quyền khởi kiện các hành vi vi phạm của các cấp công đoàn. Đồng thời nắm vững các quy định, quy trình của pháp luật về trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án, vụ việc liên quan đến khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH (theo tinh thần của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

Bên cạnh đó, trên cơ sở Quy chế phối hợp công tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam, cơ quan BHXH Việt Nam và tổ chức Công đoàn các cấp đã xây dựng chương trình phối hợp cụ thể tại cấp mình; tranh thủ sự hỗ trợ về thông tin, nghiệp vụ của Cơ quan BHXH trong việc nắm bắt thông tin; kinh nghiệm về việc khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH để thực hiện quyền khởi kiện trong thời gian tới.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang khẩn trương, gấp rút để sớm hoàn thiện bộ tài liệu hướng dẫn các cấp Công đoàn quy trình khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH ra Tòa án.

Trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ, ngành liên quan để xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH để nhanh chóng đưa Luật BHXH đi vào cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động./.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!
 Nguồn: Tạp chí BHXH