Lao động phi chính thức: Chủ động tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo cuộc sống tốt hơn
05/05/2020 08:07 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đã 02 tuần nay, bà Nguyễn Thị Then, Tổ trưởng Tổ dân phố 65, Phường Đội Cấn, Quận Ba Đình, Hà Nội gõ cửa từng nhà để gửi bản kê khai cho hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm bởi dịch bệnh Covid-19 - họ thường là những người lao động tự do, buôn gánh bán bưng nên khi đại dịch đến, cuộc sống trở nên chông chênh.
Chị Trần Thị Hà, chủ tiệm phở ở 225 phố Đội Cấn, Quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: Buôn bán ngày càng khó khăn, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, quán phở của tôi ế ẩm. Lượng khách ăn chỉ còn 60% so với trước đây. Dịch bệnh nguy hiểm nên khách hàng cũng cẩn thận hơn, họ thay đổi thói quen thay vì ăn uống ở ngoài hàng, chủ động bữa ăn tại nhà. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01 đến 30/04, quán đóng cửa hoàn toàn.
Quán phở chị Hà bình quân mỗi ngày bán 200 bát, doanh thu từ 7-8 triệu đồng/ngày. Chị phải thuê thêm 02 người phụ việc với mức lương mỗi tháng 5,5 triệu đồng, làm việc từ 05 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Khi quán đóng cửa, đồng nghĩa với việc cả 02 lao động cũng nghỉ việc không lương, không có thu nhập.
Cùng với những khó khăn như chị Hà, cô Mai Thị Hoa ở phố Trung Liệt, Quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: Tôi bán hàng tạp hóa, mỗi ngày thu nhập được khoảng 200.000 đồng, mặc dù cửa hàng không bị đóng cửa nhưng doanh thu giảm rõ rệt. Khách hàng của tôi chủ yếu là lao động tự do từ nơi khác đến thuê trọ, ghé quán mua hàng. Từ khi có dịch, họ về quê, cửa hàng không còn khách ra vào, thu nhập sụt giảm trong khi mọi nhu cầu chi tiêu vẫn phải duy trì.
Những người như chị Hà, cô Hoa và hai người phụ việc ở quán phở, trong thuật ngữ ngành lao động, là những lao động phi chính thức. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam chỉ ra rằng, trong thập kỷ qua, tỉ lệ việc làm phi chính thức tại Việt Nam đang giảm đi nhưng số lao động khu vực này vẫn rất lớn. Năm 2019, con số lao động phi chính thức là 38,1 triệu người, trong đó, gần 13 triệu lao động làm việc trong các lĩnh vực phải đối diện với cú sốc kinh tế nặng nề nhất. Trong đại dịch Covid-19, lao động phi chính thức được xác định bị ảnh hưởng rất lớn.
Trên thực tế, khi đại dịch đến, người lao động ở mọi khu vực, mọi ngành nghề đều đứng trước nguy cơ mất việc làm. Tuy nhiên, với nhóm đối tượng thuộc khu vực chính thức sẽ có nhiều lựa chọn, được đảm bảo quyền lợi khi đăng ký hưởng chế độ BHTN. Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, họ quay lại thị trường lao động tiếp tục tham gia BHXH, BHYT để được chăm sóc sức khỏe và hưởng lương hưu khi về già, như vậy, những khó khăn đối với họ sẽ sớm qua đi. Trường hợp anh Trần Hồng Hà, công nhân may mặc thuộc Công ty TNHH Quang Ngọc, Thị trấn Cầu Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là ví dụ. Từ tháng 03 đến nay, Công ty không bố trí việc làm nên gần 15 lao động trong phân xưởng may của đơn vị đã nộp thủ tục hưởng BHTN. Anh Hà đã tham gia BHXH, BHYT, BHTN được 07 năm 06 tháng, số tiền được nhận trợ cấp BHTN gần 09 triệu đồng.
Để tạo sự bình đẳng cho mọi người lao động trong các thành phần kinh tế, chính sách BHXH tự nguyện đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2008. Luật BHXH (năm 2006) và Luật BHXH sửa đổi năm 2014 đều thiết kế một chương riêng về BHXH tự nguyện. Cùng với cơ chế khuyến khích của Nhà nước nhằm tăng diện phủ BHXH toàn dân, người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng có nhiều sự lựa chọn và ưu đãi. Cụ thể, người tham gia BHXH tự nguyện được chọn phương thức đóng và mức đóng phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế. Nhà nước hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Với người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong thời gian đó Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.
Mặc dù hệ thống cơ chế, chính sách về BHXH tự nguyện đã thông thoáng và đầy đủ, đảm bảo hành lang pháp lý tạo điều kiện tối đa để người dân, người lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, sau 11 năm triển khai, đến nay cả nước mới chỉ có 543 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, một con số còn rất khiêm tốn so với khoảng 30 triệu lao động trong khu vực phi chính thức.
Từ đại dịch Covid-19 cho thấy, nhóm lao động phi chính thức là nhóm lao động dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ bởi “tấm lưới” An sinh xã hội như tất cả các thành viên khác trong xã hội. Đáng lo ngại khi gần đây, một số công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp “nhảy việc” ra thị trường lao động tự do vì nhiều lý do. Không ít trong số họ đề nghị cơ quan BHXH giải quyết BHXH một lần để có một khoản tiền làm vốn. Và sau đó, hầu như tất cả họ đều không tham gia BHXH tự nguyện. Vì thế, không ít người lao động khi xảy ra rủi ro trong cuộc sống, kể cả trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh Covid-19 đã rất hối tiếc.
Từ đại dịch Covid-19 cũng là tiếng chuông cảnh báo cho những lao động phi chính thức. Rủi ro, ốm đau, bệnh tật không trừ một ai, do đó tham gia BHXH tự nguyện là cách để đảm bảo cuộc sống khi về già. Đối với lao động đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đừng vì một chút khó khăn trước mắt mà quyết định nhận BHXH một lần. Chính sách BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động khi về già, đúng với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau”./.
Xuân Thu