Công tác thu ngành BHXH: Vào giai đoạn “nước rút”
10/10/2019 06:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phát triển BHXH, BHYT đạt kết quả cao
Tính đến 30/9, số người tham gia BHXH bắt buộc cả nước đạt gần 14,8 triệu người, bằng 96,5% kế hoạch giao (tăng 117.282 người so với tháng 8/2019 và tăng 316.307 người so với tháng 12/2018). Thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt 72,4% kế hoạch giao.
Trong tháng 9, BHXH Việt Nam tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tăng 120.000 người so với tháng 8/2019. Đáng chú ý, cơ quan BHXH một số tỉnh, thành phố lớn tập trung khai thác đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và đạt hiệu quả như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Long An và Bình Dương.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Cùng với đó, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đang trên đà tăng cao. Hết tháng 9 cả nước đã vận động được 463.105 người (tăng 26.017 người so với tháng 8/2019, tăng 192.326 người so với tháng 12/2018); Riêng trong tháng 9 đã vận động được hơn 20.000 người. “Chúng ta được Chính phủ và các Bộ, ngành đánh giá cao các giải pháp cũng như công tác phối hợp trong mở rộng số người tham gia BHXH tự nguyện, dù chưa có địa phương nào trích kinh phí hỗ trợ nhóm đối tượng này. Nếu trước chúng ta chỉ vận động thì bây giờ BHXH các cấp đã cùng các đại lý bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ này. Chúng ta cần phát huy tinh thần đến từng nhà, gặp từng người trong tuyên truyền mở rộng BHXH tự nguyện”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh.
Như vậy, 3 tháng cuối năm còn phải phát triển 27.600 người tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều địa phương đã phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện cao hơn tỉ lệ chung là: Sơn La, Hưng Yên, Cà Mau, Hà Nam, Điện Biên. Đặc biệt, có 5 địa phương phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện cao trong 9 tháng đầu năm 2019 là: Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Dương và Sơn La.
Đáng chú ý, đến nay, cả nước đã có 89,9% dân số tham gia BHYT- vượt 1,8% so với Quyết định 1167 của Thủ tướng Chính phủ giao.
Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ, ông Thân Đức Lại- Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang cho biết: Đến nay, Bắc Giang đã hoàn thành 4 chỉ tiêu cơ bản, đặc biệt chỉ tiêu phát triển BHXH đạt 103%- cao nhất nước do ngay từ đầu năm, Bắc Giang đã xác định tập trung công tác mở rộng đối tượng và thu hồi nợ đọng. Thành công lớn là đã đưa vào công tác thực hiện BHXH, đặc biệt thu hồi nợ đọng và thanh tra vào Chương trình nghị sự của UBND tỉnh. “Trong năm 2019, mục tiêu Bắc Giang hoàn thành số người cũng như số DN tham gia BHXH. UBND tỉnh đã chỉ đạo 80% số DN hoạt động trên địa bàn phải tham gia BHXH và sẽ quy trách nhiệm đến từng ngành. Bắc Giang cũng đã thành lập BCĐ phát triển BHXH, BHYT đến năm 2030; duy trì tháng 11 hằng năm là tháng vận động người dân tham gia BHYT...”- ông Lại nhấn mạnh.
Triển khai giải pháp gắn với giám sát thực hiện
Từ thực tế địa phương, bà Lê Minh Lý- Giám đốc BHXH Bình Dương cho biết: Bình Dương đã đạt cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch được giao, nhưng chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện hiện vẫn còn thấp. Về phát triển BHXH bắt buộc, trong 3 tháng cuối năm Bình Dương phải phát triển được 14.000 người, đồng thời cố gắng giảm tỉ lệ nợ xuống mức thấp nhất (hiện 3% số phải thu).
Còn theo ông Trịnh Trung Kiên- Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, dù đã tích cực, số lao động tham gia BHXH bắt buộc trong 9 tháng khai thác thêm 13.113 lao động, nhưng lại giảm 15.664 lao động do Công ty chế biến thuỷ sản Quốc Việt- lớn thứ 2 tỉnh thu hẹp sản xuất, giảm lao động. BHXH tỉnh vừa ký Quyết định thành lập 8 tổ công tác, tích cực rà soát dữ liệu từ cơ quan thuế để vận động lao động tham gia và mỗi huyện cũng thành lập tổ để tiến hành rà soát đến tận các xã. “Thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp toàn tỉnh mới đạt 69% kế hoạch là do giảm lao động, mà các đơn vị giảm lao động lại có mức tiền lương đóng cao; số đơn vị phát triển mới thì mức tiền lương đóng BHXH thấp. Cà Mau cũng là một trong số địa phương “top đầu” về nợ BHXH với tỉ lệ 6,6% số phải thu. Một số chủ DN nợ BHXH đã bị bắt, DN không còn hoạt động nhưng không phá sản được (nhóm này nợ 12 tỉ, không còn khả năng thanh toán; 8 DN nợ lớn mà Bộ LĐ-TB&XH đã thanh tra, nhưng rất khó xử lý sau thanh tra). Có DN thuỷ sản nợ BHXH 12 tỷ đồng, không có tiền trả lương NLĐ, hiện đã ngưng hoạt động; cơ quan BHXH nhiều lần làm việc với DN, song DN bế tắc không có trích đóng, trả nợ BHXH”- ông Kiên phân tích.
Điểm cầu BHXH tỉnh Hưng Yên
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tổng số tiền hiện còn phải thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (không bao gồm NSNN, Vinashin, Vinaline) đến 30/9 là 14.876 tỉ đồng (chiếm 4,1% số phải thu). Cả nước còn 32.205 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ 3- 6 tháng với số tiền 987 tỉ đồng (tăng 118 đơn vị với số tiền 48 tỉ đồng so với tháng 8); 12.849 đơn vị với 745 tỉ đồng (giảm 13 đơn vị và số tiền nợ tăng 41 tỉ đồng) nợ từ 6- 12 tháng và 14.982 đơn vị với số tiền 2.931 tỉ đồng (giảm 1.299 đơn vị và số tiền giảm 39 tỉ đồng) nợ trên 12 tháng.
Để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2019, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết: Từ nay đến cuối năm, trong phạm vi của mình, Ban Thu sẽ trực tiếp kiểm tra, giám sát chất lượng công việc của các tỉnh; tập trung thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị nợ, chưa tham gia BHXH cũng như đơn vị tham gia BHXH chưa đủ số lao động, đơn vị phải xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, bám sát và đôn đốc các đơn vị SDLĐ, cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT, cơ quan tài chính chuyển đủ số tiền phát sinh phải thu trong tháng và số tiền còn phải thu của những tháng trước; tiếp tục phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đặc biệt phát triển BHXH tự nguyện đối với lao động mới nghỉ việc. Hằng tháng, đề nghị BHXH các địa phương báo cáo cấp uỷ, chính quyền về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý; rà soát việc thực hiện quy trình đôn đốc thu nợ và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Theo bà Chu Thị Lan Hương- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện các địa phương đã chủ động tiếp cận các DN trong khai thác BHXH bắt buộc, song trên quy mô lớn thì bưu điện vẫn chưa làm được.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh: Năm 2019 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết số 28. Những đơn vị nào phối hợp tốt với Bưu điện, với chính quyền địa phương thì hoàn thành chỉ tiêu. Về công tác phát triển BHYT, dù kế hoạchđã hoàn thành, song các đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc tham gia đã tiệm cận, chính sách giảm nghèo sẽ giảm dần, nên các địa phương cần tập trung và đẩy mạnh tuyên truyền tham gia BHYT vào nhóm hộ gia đình, nghèo, cận nghèo, dân tộc. “Nợ BHXH phải xử lý dứt điểm để không ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ. Đặc biệt, trong 3 tháng cuối năm toàn Ngành còn phải phát triển 533.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc. Vì vậy, các địa phương cần có giải pháp quyết liệt để hoàn thành và hoàn thành vượt mức số người tham gia. Ban Thu phải trực tiếp gỡ khó cho các địa phương trong thực hiện Công văn 3045, báo cáo 5 ngày/lần; chủ động theo dõi phần mềm thanh tra tự động, đã thanh tra phải ký Quyết định và phải có Kết luận thanh tra (5 ngày/lần báo cáo). Địa phương nào không tranh tra thì Ban Thu phải làm văn bản phê bình Giám đốc địa phương đó; phải đảm bảo phần mềm tương tác tốt giữa 2 bên: BHXH và Thuế trong rà soát, khai thác phát triển đối tượng...”- Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Nguồn: Báo BHXH Việt Nam