Công nghệ thông tin và Truyền thông: Trao quyền đổi mới an sinh xã hội
17/09/2019 11:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận của các chuyên gia đến từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Hiệp hội An sinh xã hội thế giới (ISSA) và các tổ chức an sinh xã hội trên thế giới.
Với chủ đề “Tương lai của việc làm và an sinh xã hội”, ông Markus Ruck- Chuyên gia an sinh xã hội thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã mang đến một góc nhìn tổng thể về những biến đổi của thị trường lao động, tác động đến mục tiêu an sinh xã hội của các quốc gia trên thế giới.
Ông Markus Ruck- Chuyên gia của ILO
Theo ông Markus Ruck, thị trường lao động hiện đang trải qua những thay đổi mang tính căn bản và đột phá, đó là: Sự xuất hiện của những loại hình lao động và tính chất công việc hoàn toàn mới; tình trạng bất bình đẳng và bất ổn gia tăng, khế ước xã hội trở nên suy yếu ở nhiều quốc gia là hệ quả những thay đổi ngày càng phức tạp trong thị trường lao động. Trong bối cảnh này, an sinh xã hội ngày càng trở nên quan trọng.
Để củng cố an sinh xã hội cần xem xét những nguyên tắc cơ bản trong bối cảnh chung của thị trường lao động, như: Củng cố an sinh xã hội trước những thay đổi của thị trường lao động; sự kết hợp giữa cơ chế an sinh xã hội đóng góp và không đóng góp.
Những thách thức hiện tại đòi hỏi những hệ thống an sinh xã hội công bằng, bền vững hơn, trong đó bao gồm những quy định “nền móng” đảm bảo sự ảnh hưởng tới tất cả mọi người như là một quyền công dân.
Dự báo về tương lai, ông Markus Ruck cho rằng, nhu cầu an sinh xã hội sẽ tăng cao. Đây là một mắt xích quan trọng của khế ước xã hội và việc xây dựng điều kiện làm việc tốt cho người lao động. Những xu hướng như tự kinh doanh, tự hành nghề cũng là một nhóm đối tượng mà hệ thống an sinh xã hội cần chú trọng để đảm bảo các chính sách bao gồm cả những đối tượng này.
Đề cập đến việc có nhiều ý kiến đồng tình tập trung vào nguồn tài chính từ thuế sẽ là cần thiết để đáp ứng nhu cầu, khi mà áp lực đặt lên hệ thống an sinh xã hội ngày một tăng, ông Markus Ruck cho rằng, có nhiều cách triển khai đang được cân nhắc, ví dụ như đánh thuế robot và những hình thái công nghệ khác...
Tuy nhiên, việc đánh thuế công nghệ để vận động tài chính cho những hoạt động an sinh xã hội vẫn còn là một khó khăn lớn với các quốc gia. Thực tế, BHXH toàn dân vẫn sẽ là điều kiện tiên quyết để xây dựng được hệ thống an sinh xã hội mang tính chia sẻ rủi ro, công bằng và đoàn kết. Vì vậy, đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, tức là đảm bảo quyền cơ bản của con người, đặt ra mục tiêu cho các chính phủ cần phải thu hẹp khoảng cách thu nhập và đưa ra các chính sách phù hợp để thích nghi với bối cảnh mới của mỗi quốc gia.
Ông Markus Ruck cũng nhấn mạnh: “Nhiều quốc gia đã và đang áp dụng những giải pháp mang tính đột phá, nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm để tiếp tục xây dựng hệ thống an sinh xã hội. An sinh xã hội, bao gồm chính sách đóng góp và không đóng góp, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo môi trường làm việc tốt cho người lao động.
Mặc dù chính sách thu nhập tối thiểu có thể giải quyết được một số vấn đề còn tồn tại, nhưng chưa phải là một giải pháp toàn diện, đặc biệt khi có những quan ngại về sự cân bằng giữa tự do cá nhân và nhu cầu của xã hội, trong đó mỗi cá nhân có trách nhiệm đóng góp cho an sinh xã hội toàn dân. Vì vậy, hệ thống an sinh xã hội của mỗi quốc gia cần được củng cố và thích nghi để có thể giải quyết hiệu quả những thách thức mới trong tương lai.
Ông Raul Ruggia-Frick- đại diện ISSA
Ông Raul Ruggia-Frick- đại diện Tổ chức An sinh xã hội thế giới (ISSA) tham luận với chủ đề “Công nghệ đối với an sinh xã hội: Xu hướng và tầm nhìn quốc tế”. Nhận định về xu hướng công nghệ trong lĩnh vực an sinh xã hội hiện nay, ông Raul Ruggia-Frick cho rằng, các tổ chức an sinh xã hội ngày càng áp dụng những công nghệ mới nổi, chủ yếu là phân tích về Dữ liệu lớn (BIG DATA), Trí tuệ nhân tạo (AI), và Blockchain để giải quyết các vấn đề khó khăn, các giải pháp an sinh xã hội mới thông qua các giải pháp công nghệ thông tin (đổi mới).
“Các công nghệ mới nổi là các yếu tố hỗ trợ chiến lược cho các chuyển đổi cải thiện dịch vụ khách hàng thông qua tương tác với cá nhân qua Cổng Web, trợ lý thông minh, kết nối đến các đối tác khác; đồng thời cải thiện năng lực tổ chức để áp dụng các công nghệ cho chuyển đổi”- ông Raul Ruggia-Frick nhận định.
Phân tích về những khó khăn và rủi ro khi áp dụng công nghệ mới vào trong hệ thống an sinh xã hội của các nước, ông Raul Ruggia-Frick nhấn mạnh về sự phức tạp và chi phí của việc áp dụng các công nghệ mới và thay đổi quy trình quản lý; việc đảm bảo mức chất lượng dữ liệu cần thiết để phân tích hiệu quả và ứng dụng AI hay tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu trong các ứng dụng Dữ liệu lớn cũng là những thách thức. Ngoài ra, còn có rủi ro kinh tế và danh tiếng do thất bại. Tuy nhiên, song song với rủi ro, thì hiệu quả của những công nghệ mới này là không hề nhỏ. Theo đó, việc sử dụng hệ thống chung sẽ đáp ứng nhu cầu phục vụ từng đối tượng khách hàng; cải thiện quản lý dữ liệu và khả năng sẵn sàng cung cấp số liệu; phát triển Chính phủ điện tử: kết nối liên tổ chức, khả năng tương tác; phát triển văn hóa đổi mới trong an sinh xã hội…
Theo ông Raul Ruggia-Frick, công nghệ là một yếu tố quyết định chính cho các dịch vụ và quản trị được cải thiện. Do đó, các tổ chức an sinh xã hội cần phát triển năng lực để ứng dụng các công nghệ mới xuất hiện, nhằm cải thiện dịch vụ khách hàng, điều hành và khả năng phòng ngừa. Bên cạnh đó, các tổ chức cần tận dụng dữ liệu tổ chức và dữ liệu bên ngoài, an ninh xã hội dựa trên dữ liệu. “Công nghệ thông tin mới nổi khác có liên quan đến an sinh xã hội sẽ liên quan đến sinh trắc học, Internet vạn vật…”- ông Raul Ruggia-Frick chia sẻ.
Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu cũng được nghe bài thuyết trình “Khai thác Dữ liệu lớn vì lợi ích xã hội” của ông Chandana Athauda (Dynamik Technologies); “Dự đoán an sinh xã hội trong kỷ nguyên nhận thức” của ông Tan Soo Eng (Silverlake Sistem Sdn Bhd).