Bảo hiểm y tế toàn dân: Người dân được lợi gì, có phải ai cũng được trả tiền tỉ?

15/07/2020 02:46 PM


Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết người được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cao nhất thời gian qua là một thầy giáo 30 tuổi ở Kiên Giang, được chi trả phí khám chữa bệnh lên tới 11 tỉ đồng.

Bảo hiểm y tế toàn dân: Người dân được lợi gì, có phải ai cũng được trả tiền tỉ? - Ảnh 1.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thầy giáo kể trên bị gãy chân hồi cuối 2019 nhưng có tiền sử rối loạn đông máu, chi phí điều trị tăng cao.

Nếu không có bảo hiểm y tế và trường hợp phải nằm viện dài ngày, chi phí điều trị sẽ là một "bẫy nghèo đói" với nhiều gia đình. Bảo hiểm y tế lúc này là cứu cánh để giảm gánh nặng về chi phí điều trị.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có khoảng 15 triệu người Việt Nam chưa tham gia bảo hiểm y tế. Lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân nhằm giảm chi tiêu y tế từ tiền túi người dân xuống dưới 40% vào 2020.

Để người dân có thêm thông tin về lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, lợi ích của bảo hiểm với sức khỏe cộng đồng, người dân được lợi gì, đại lý bảo hiểm y tế ở đâu và phương thức đóng phí như thế nào là thuận tiện... báo Tuổi Trẻ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Bảo hiểm y tế toàn dân, người dân được lợi gì khi tham gia?".

Buổi giao lưu diễn ra từ 9-11h30 sáng nay 15-7 với sự tham gia của ông Phan Văn Toàn - phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) và ông Nguyễn Thành Đạt - phó trưởng Phòng chế độ bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Bảo hiểm y tế toàn dân: Người dân được lợi gì, có phải ai cũng được trả tiền tỉ? - Ảnh 2.

Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức tư vấn cho bệnh nhân về bệnh lý tăng huyết áp - Ảnh: THÚY ANH

MỜI THEO DÕI NỘI DUNG GIAO LƯU:

 
Võ Tuệ Minh:
Em tôi năm nay 45 tuổi, làm nghề tư nhân, ở TP.HCM, muốn mua bảo hiểm mà thủ tục rắc rối, cứ phải bắt mua theo hộ gia đình. Có cách nào mua đơn giản không?
Ông Nguyễn Thành Đạt:
 

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT trường hợp các thành viên trong hộ gia đình (theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú) cùng tham gia BHYT trong năm tài chính thì được miễn giảm mức đóng kể từ người thứ 2 trở đi.

Như vậy, trường hợp các thành viên trong hộ gia đình không cùng tham gia trong năm tài chính vẫn được tham gia mua BHYT nhưng không được miễn giảm mức đóng BHYT. Để mua thẻ theo đối tượng hộ gia đình, đề nghị bạn đến đại lý thu tại UBND xã, phường nơi cư trú để được hướng dẫn thủ tục đăng ký mua thẻ.

Nguyễn Thành Đạt
Ông Nguyễn Thành Đạt - Ảnh: VIỆT DŨNG
 
Nguyễn Hữu Tâm:
Hiện tại tôi có nghe thông tin về việc quy định nếu mua bảo hiểm y tế 5 năm liên tục sẽ được miễn phí khám chữa bệnh. Nhưng tôi chưa được rõ là miễn phí khám chữa bệnh như thế nào? Và trong trường hợp công nhân làm việc trong công ty - nhà máy hằng năm đều đóng BHYT thì có được hưởng chế độ này không nếu đóng đủ 5 năm liên tục? Xin cám ơn.
Ông Phan Văn Toàn:
 

Trường hợp tham gia bảo hiểm y tế đủ 5 năm liên tục và số tiền đồng chi trả trong năm đủ 6 tháng lương cơ sở thì không phải cùng chi trả nữa.

Tất cả những người tham gia bảo hiểm y tế đều được hưởng chính sách này nếu tham gia đủ 5 năm liên tục.

Ông Phan Văn Toàn - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Phan Văn Toàn - Ảnh: VIỆT DŨNG
 
Nguyễn Hoàng Minh:
Tham gia bảo hiểm y tế có lợi, nhưng chúng tôi băn khoăn về phương thức quản lý quỹ và bảo hiểm đang có biện pháp ngăn chặn thất thoát nào không?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì có nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đang được triển khai mạnh mẽ, là giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch chi phí giúp cho việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả, hạn chế tối đa thất thoát.

 
le van phuot:
Tôi đóng bảo hiểm trên 5 năm, ngụ Hồng Ngự, Đồng Tháp, mổ ở BV Mắt TP.HCM, chuyển đúng tuyến nhưng bệnh viện chỉ thanh toán 20% là sao ạ?
Ông Nguyễn Thành Đạt:
 

Trường hợp bạn đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Mắt TP.HCM có xuất trình đầy đủ thủ tục và chuyển tuyến theo đúng quy định thì bạn sẽ được hưởng 100% chi phí KCB BHYT trong phạm vi và mức hưởng ghi trên thẻ. Do thông tin của bạn cung cấp chưa đầy đủ, vì vậy để làm rõ, đề nghị bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú để được hướng dẫn giải quyết.

 
Thanh Liễu:
Gần đây mới có chiến dịch thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế hộ gia đình, vậy các ưu đãi hiện nay cho nhóm này là gì?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình được giảm trừ mức đóng. Cụ thể, nếu tất cả thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, thì từ người thứ 2, 3, 4 chỉ phải đóng phí bằng 70, 60, 50% mức phí của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi mức phí bằng 40% của người thứ nhất.

 
Trương Nhật Khanh:
Có tình trạng học sinh vào năm học mới lại có thông báo về bảo hiểm, nhưng các cháu chuyển cấp thì năm học trước đã đóng bảo hiểm hết năm, như vậy có thời gian nào đóng bị trùng không?
Ông Nguyễn Thành Đạt:
 

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 7, Điều 13 của Nghị định 146 thì thẻ BHYT của đối tượng học sinh, sinh viên năm cuối cùng của khóa học có giá trị sử dụng đến ngày cuối cùng của tháng kết thúc khóa học nên không bị trùng thời gian đóng như bạn phản ánh.

 
Nguyen Hoang:
Khi nào có gói BHYT bổ sung thưa ông?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Bộ Y tế đang nghiên cứu quy định này (trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét vào 2021.

 
Nguyễn Vũ Đăng:
Gia đình tôi có bố đi làm tại nước ngoài đã nhiều năm và hàng năm đều về thăm nhà từ 2 - 3 tháng. Đợt vừa rồi bố tôi về và gặp tai nạn phải vào viện nhưng lại không có bảo hiểm nên chi phí phải trả rất cao. Gia đình dự kiến sẽ mua bảo hiểm y tế tự nguyện nhưng liệu có thể mua bảo hiểm theo tháng không hay bắt buộc phải mua theo cả năm. Thời gian chờ sẽ là bao lâu?
Ông Nguyễn Thành Đạt:
 

Nếu bố bạn vẫn mang quốc tịch Việt Nam thì thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT (tham gia theo nhóm đối tượng hộ gia đình).

Theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, để tạo điều kiên cho người tham gia BHYT hộ gia đình, bạn có thể lựa chọn thời gian đóng BHYT cho bố theo giai đoạn 3,6 hoặc 12 tháng. Theo đó định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, người đại diện của hộ gia đình hoặc thành viên của hộ gia đình nộp tiền đóng BHYT cho cơ quan BHXH.

Hiện nay, khi các thành viên trong hộ gia đình cùng tham gia trong năm thì được miễn giảm mức đóng, cụ thể như sau: người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ 2 đóng bằng 70% người thứ nhất, người thứ 3 đóng bằng 60% người thứ nhất, người thứ 4 đóng bằng 50% người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% người thứ nhất.

Đối với lần tham gia BHYT hộ gia đình đầu tiên, thẻ BHYT sẽ có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng. Kể từ lần tham gia thứ 2 trở đi, nếu thời gian gián đoạn giữa 2 thẻ không quá 3 tháng thì thẻ có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng.

 
Dương Thị Thùy Lan:
Bảo hiểm y tế là bên thứ 3 giám sát chất lượng dịch vụ y tế, nếu có khiếu nại về chất lượng thì bảo hiểm sẽ xử lý như thế nào để hỗ trợ người tham gia chúng tôi?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Theo Luật Bảo hiểm y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Trường hợp nhận được phản ánh về chất lượng khám chữa bệnh thì cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh và giải quyết theo thẩm quyền.

 
Phạm tan thuan:
Tôi muốn tham gia bao hiểm tử tuất thì mua ở đâu? Được hưởng quyền lợi gì?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Tử tuất là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội, để được hưởng chế độ tử tuất bạn đến đại lý Bảo hiểm xã hội để mua Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tham gia loại hình bảo hiểm sẽ được chi trả chế độ hưu trí, tử tuất.

 
Trần Quốc Hùng:
Trường hợp nào mới được bảo hiểm thanh toán 100%? Ba tôi bị ung thư, đi khám chữa bệnh không lúc nào được 100%, gia đình phải chi mấy trăm triệu, thật sự không chịu nổi...
Ông Nguyễn Thành Đạt:
 

Người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí KCB BHYT trong các trường hợp sau:

- KCB tại tuyến xã

- Chi phí cho 1 lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở

- Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền đồng chi trả chi phí KCB BHYT trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến).

Như vậy, bố của bạn sẽ được hưởng 100% chi phí nếu thuộc vào một trong các trường hợp nêu trên. Ngoài ra, do bạn không cung cấp đủ thông tin là gia đình phải chi trả mấy trăm triệu là những chi phí nào nên chưa có cơ sở trả lời chính xác với bạn là chi phí đó có thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT không.

 
Nguyễn quý trọng:
Tôi muốn hỏi về danh mục thuốc bảo hiểm, thời gian sau này chúng tôi tham gia bảo hiểm lâu năm thấy danh mục thuốc không bằng trước đây, nhiều thuốc phải mua ngoài vì bảo hiểm không có, vậy có bổ sung thêm thuốc vào danh mục không?
Ông Nguyễn Thành Đạt:
 

Danh mục thuốc thanh toán BHYT hiện nay đã được bổ sung thêm nhiều loại thuốc mà trước đây không có. Vì vậy ý kiến của bạn là danh mục thuốc BHYT hiện nay không nhiều bằng trước đây là không chính xác. Theo quy định thì cơ sở KCB phải cung cấp đầy đủ, kịp thời các thuốc, hoá chất trong danh mục thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, vì vậy nếu cơ sở KCB yêu cầu người bệnh phải tự túc thuốc có trong danh mục là sai quy định.

Do bạn không nêu cụ thể bạn phải tự túc thuốc nào nên chưa có cơ sở trả lời bạn thuốc đó có trong danh mục BHYT thanh toán hay không. Hàng năm, cơ quan BHXH luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình xây dựng các VBQPPL liên quan đến chính sách BHYT, bổ sung và cập nhật các loại thuốc mới kịp thời phục vụ công tác KCB của cơ sở KCB và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

 
Hữu Tài:
Lứa tuổi nào thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Trẻ em dưới 6 tuổi, người từ đủ 80 tuổi trở lên. Ngoài ra, có các đối tượng như người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và một số đối tượng chính sách xã hội cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

 
Trần Bá Luân:
Tôi được cơ quan mua bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở BV tỉnh Vĩnh Long, khi về quê Cần Thơ đi khám bệnh ở tuyến tỉnh (ví dụ như đa khoa TƯ), thì được hưởng bảo hiểm thế nào?
Ông Nguyễn Thành Đạt:
 

Nếu bạn đăng ký KCB ban đầu ở bệnh viện tuyến tỉnh tại Vĩnh Long mà bạn đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn Thành phố Cần Thơ có xuất trình đầy đủ thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh, bạn sẽ được hưởng BHYT như sau:

- Hưởng 100% chi phí KCB trong phạm vi hưởng và mức hưởng của đối tượng: nếu có xuất trình một trong các giấy tờ sau: giấy công tác, quyết định cử đi học, thẻ học sinh, sinh viên, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú, giấy chuyển trường hoặc trong trong tình trạng cấp cứu.

- Hưởng 60% chi phí KCB nội trú trong phạm vi và mức hưởng của đối tượng nếu tự đi KCB (không có giấy chuyển tuyến, không trong tình trạng cấp cứu). Không được hưởng chi phí KCB ngoại trú.

Nếu bạn đăng ký KCB ban đầu ở bệnh viện tuyến tỉnh tại Vĩnh Long mà bạn đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện TƯ Cần Thơ có xuất trình đầy đủ thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh, bạn sẽ được hưởng 40% chi phí KCB nội trú trong phạm vi hưởng và mức hưởng của đối tượng nếu tự đi KCB (không có giấy chuyển tuyến, không trong tình trạng cấp cứu).

 
Võ Tường An:
Tôi được biết sắp có quy định nhiều mức đóng bà nhiều mức chi trả bảo hiểm, nếu có thì bao giờ có và thực hiện như thế nào?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Hiện chúng tôi đang nghiên cứu nội dung này và dự kiến sẽ trình Quốc hội vào 2021.

 
Lê Trúc Mai:
Có ưu đãi nào về mức phí đối với gia đình có trên 5 thành viên, thậm chí nhiều hơn không?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, khi tất cả thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế thì được giảm mức đóng cụ thể như sau:

Người thứ 2, 3, 4 lần lượt đóng bằng 70, 60, 50% so với người thứ nhất.

Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% của người thứ nhất.

 
Trần Thị Thanh Trúc:
Ở các nước nếu có bảo hiểm và đi khám bệnh là không phải chi trả thêm, Việt Nam lại quy định cùng chi trả rất phức tạp, có nên thay đổi quy định này?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Mức đóng bảo hiểm y tế Việt Nam so với các nước là thấp hơn nhiều, do đó mức chi trả cần có sự chia sẻ của người dân với Quỹ Bảo hiểm y tế. Đồng thời việc thực hiện đồng chi trả cũng là cơ chế để người dân cùng tham gia kiểm soát chi phí khám chữa bệnh.

 
Bùi Trường Giang:
Chúng tôi làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức phí bảo hiểm y tế rất cao trong khi mức chi trả lại tương tự như mức phí thông thường. Vì vậy chúng tôi phải có thêm 1 loại bảo hiểm nữa để thuận tiện cho nhu cầu khám chữa bệnh. Phí cao hơn nhưng dịch vụ không cao hơn có cách giải quyết gì tới đây không?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Bảo hiểm y tế xã hội với mục tiêu chia sẻ rủi ro, người có thu nhập cao thì đóng nhiều, người có thu nhập thấp thì đóng ít. Mức chi trả tùy theo mức độ bệnh tật và thời gian tham gia, không phụ thuộc vào mức đóng. Trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu để quy định loại hình bảo hiểm y tế bổ sung, theo đó, bạn đóng nhiều sẽ được hưởng nhiều.

 
T.G.:
Xin hỏi mẹ tôi năm nay 83 tuổi, hộ khẩu Gò Công Tây tỉnh Tiền Giang và được cấp thẻ bảo hiểm y tế tại Tiền Giang nhưng hiện nay mẹ tôi sinh sống với tôi tại TP.HCM và khám bệnh tại BV Hoàn Mỹ Sài Gòn thì có được hưởng chế độ khám chữa bệnh không?
Ông Nguyễn Thành Đạt:
 

Khi bạn đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, TP.HCM (là bệnh viện tuyến tỉnh), có xuất trình đầy đủ thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh, mẹ bạn sẽ được hưởng BHYT như sau:

- Hưởng 100% chi phí KCB theo phạm vi hưởng và mức hưởng của đối tượng trong trường hợp cấp cứu, trước khi ra viện mẹ bạn phải xuất trình thẻ BHYT, khi đó bạn vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT ngay từ khi nhập viện.

- Hưởng 100% chi phí KCB trong phạm vi hưởng và mức hưởng của đối tượng trong trường hợp mẹ bạn có Giấy chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT theo đúng quy định.

- Hưởng 60% chi phí KCB nội trú trong phạm vi hưởng và mức hưởng của đối tượng đối với trường hợp mẹ bạn không trong tình trạng cấp cứu và không có Giấy chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT. Không được hưởng chế độ BHYT nếu đi KCB ngoại trú.

- Trường hợp nợi đăng ký KCB ban đầu của mẹ bạn tại Tiền Giang là bệnh viện tuyến tỉnh thì mẹ bạn được hưởng 100% chi phí KCB trong phạm vi hưởng và mức hưởng của đối tượng nếu xuất trình giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú.

 
Nguyễn Thủy Chi:
Tôi có hộ khẩu Long An và làm việc tự do ở TP.HCM. Tôi có đăng ký tạm trú tại quận Tân Phú. Vậy xin hỏi tôi có đươc tham gia BHYT tự nguyện không? Nếu đươc tôi cần chuẩn bị giấy tờ gì? Cảm ơn.
Ông Phan Văn Toàn:
 

Bạn có sổ tạm trú tại TP.HCM thì được tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình tại TP.HCM (kể cả hộ gia đình có 1 người). Giấy tờ cẩn chuẩn bị là sổ tạm trú và giấy tờ xác định nhân thân: thẻ học sinh, giấy xác nhận của địa phương.

 
Mai Anh:
Hiện nay thủ tục chuyển tuyến là thủ tục phức tạp nhất, do tuyến dưới không muốn chuyển bệnh nhân. Trong tình huống như thế nào được coi là bắt buộc phải chuyển? Nếu lên thẳng tuyến trên thì thủ tục chi trả như thế nào?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Việc chuyển người bệnh lên tuyến trên được thực hiện khi bệnh vượt khả năng chẩn đoán và điều trị của cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bệnh viện giữ người bệnh điều trị mặc dù khả năng không đáp ứng được. Những trường hợp này người bệnh cần phản ánh với Sở Y tế hoặc Bộ Y tế, để xem xét xử lý cụ thể.

Nếu chuyển thẳng lên tuyến trên, thì người bệnh không được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phí khám chữa bệnh ngoại trú, nhưng được chi trả chi phí điều trị nội trú. Tại Bệnh viện tuyến tỉnh, mức chi trả là 60%, bệnh viện trung ương là 40% trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người có thẻ bảo hiểm y tế.

 
Hải minh:
Chúng tôi đang tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, nhưng mỗi lần đóng phí cả gia đình rất lớn, có chính sách nào hiện nay có thể đóng theo tháng hoặc theo quý để giảm mức phí này? Nếu chúng tôi không dùng đến thẻ bảo hiểm y tế thì có chính sách bao nhiêu năm được hoàn phí như các loại hình bảo hiểm khác không?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành quy định hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế có thể đóng phí 3 tháng, 6 tháng hoặc theo năm, chưa có hình thức đóng theo tháng. Trong thời gian tới khi công nghệ phát triển, hướng tới có thể đóng hàng tháng hoặc đóng qua tài khoản.

Bảo hiểm y tế là hình thức chia sẻ rủi ro, nếu đóng bảo hiểm y tế mà không sử dụng là chia sẻ cho những người ốm đau bệnh tật. Có những trường hợp đóng 1 triệu đồng/năm, nhưng Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân ấy 1 tỷ đồng/năm, vậy phải có 1000 người đóng mới đủ chi trả cho trường hợp này. Nhưng chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để khuyến khích hoặc bồi hoàn cho những trường hợp đóng nhiều năm mà không sử dụng.

 
Phan Thành Phú:
Tôi tham gia BHYT từ 1993 đến nay, có THẺ QUẢN LÝ SỨC KHOẺ CÁN BỘ, do Ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ của Tỉnh Uỷ Bến Tre cấp, tôi sẽ được những ưu đãi như thế nào khi tôi khám chữa bệnh từ tuyến huyện cho đến tuyến cao hơn?
Ông Nguyễn Thành Đạt:
 

Trường hợp của ông thuộc đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khoẻ theo Hướng dẫn số 52 HD/BTCTW ngày 02 tháng 12 năm 2005 thì ông được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại Phòng khám của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh hoặc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh theo hướng dẫn của Giám đốc Sở Y tế sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Ngoài ra, từ ngày 01/01/2016, người có thẻ BHYT tự đi KCB tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc (có xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh) thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí trong phạm vi và mức hưởng quy định trên thẻo của người tham gia.

 
Trần Tuấn:
Hiện tại BHYT không cấp thẻ mới cho người dân. Có cần thiết khi đi khám bệnh bệnh viện luôn hỏi thẻ TBHYT bằng giấy ?? Người dân chỉ cần đọc mã số BHYT và CMND được không ??BHYT có thể nghiên cứu mức đóng BH tùy theo nhu cầu người dân - như nếu đóng thêm tiền thì có thể sử dụng nhiều dịch vụ hơn như thanh toán trên 80%...
Ông Phan Văn Toàn:
 

Không cấp thẻ mới bởi vì thẻ bảo hiểm y tế đã được tự động gia hạn trên hệ thống, người dân chỉ cần trình thẻ bảo hiểm y tế cũ, hoặc đọc mã thẻ bảo hiểm y tế và số chứng minh thư là được hưởng.

Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu loại hình bảo hiểm y tế bổ sung, theo đó người tham gia bảo hiểm y tế đóng nhiều thì sẽ được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả nhiều. Quy định này đang được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, sẽ trình Quốc hội xem xét vào 2021.

 
Mai Thanh:
Việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính. Vậy hộ gia đình có 4 người nhưng trong năm tài chính chỉ tham gia có 3 người, vậy có được giảm không? Có phải trả lại số tiền đã giảm trừ hay không?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Quy định hiện hành tất cả thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế thì được giảm trừ mức đóng. Trường hợp hộ gia đình có 4 người, nhưng trong năm chỉ tham gia 3 người thì không được giảm trừ.

 
nga đoàn hải phòng:
Tại sao bao người nằm viện có bảo hiểm vẫn phải mua thuốc và trả các dịch vụ y tế khác, phải chăng bảo hiểm chỉ trả tiền khám bệnh đơn giản và các thuốc thông thường, nếu không phải về chờ chết như báo đài đăng rất nhiều? Tại sao khám chữa bệnh nằm viện lại không thực hiện lại khám bệnh cấp thuốc để nhiều người khám lấy thuốc trục lợi?
Ông Nguyễn Thành Đạt:
 

Theo quy định hiện hành, trách nhiệm của cơ sở KCB phải cung cấp đầy đủ, kịp thời các thuốc, hoá chất có trong danh mục thuốc chi trả BHYT cho người bệnh BHYT đến KCB. Hiện nay Danh mục thuốc BHYT thanh toán do BYT ban hành đã đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của người bệnh.

Việc cơ sở KCB không cung ứng đủ thuốc cho người bệnh mà yêu cầu người bệnh mua thuốc tự túc điều trị bệnh là sai quy định. Việc cấp thuốc hay không cũng còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của người bệnh và do bác sĩ khám và điều trị quyết định.

 
Lu văn Bu:
Người dân đã mua BHYT, nhưng khi bị ốm đau, cần đến khám tại 1 cơ sở y tế chuyên khoa thì bị mắt buộc phải mua phiếu khám bênhk khoảng 70-100 ngàn đồng. Liệu khoản thu này có đúng Luật BHYT?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Trường hợp đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo đúng quy định mà cơ sở y tế thu 70-100 ngàn đồng/lần khám chuyên khoa là không đúng quy định. Trường hợp này bạn cần phản ánh cụ thể tên cơ sở khám chữa bệnh với Sở Y tế địa phương hoặc Bộ Y tế để chúng tôi có cơ sở xem xét, xử lý.

 
Trần Huy:
Để nhiều người mua bảo hiểm, thì việc mua bảo hiểm y tế nên dễ dàng hơn, không nên phụ thuộc vào hộ gia đình. Vì 1 người trong hộ không đồng thuận thì những người khác muốn mua cũng không được. Việc mua BHYT nên gắn với số căn cước công dân, cứ có căn cước công dân là mua được, không phụ thuộc hộ khẩu. Ông nghĩ sao?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Phản ánh và đề nghị của bạn rất đúng. Bộ Y tế đang được giao chủ trì sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, theo hướng bỏ quy định bắt buộc tất cả thành viên hộ gia đình cùng tham gia bảo hiểm y tế mới được mua thẻ bảo hiểm y tế. Dự kiến dự luật sẽ được trình Quốc hội vào vào năm 2021.

 
Vũ Hưng An (Missouri):
Tôi ở Mỹ, hàng năm tôi về VN sáu tháng cùng con cháu bà con, vậy tôi có được mua BHYT không? Tôi sẽ mua nguyên một năm và tôi mua gói đặc biệt giá cao.
Ông Phan Văn Toàn:
 

Thời gian ông ở Việt Nam ông được mua bảo hiểm y tế, tuy nhiên bảo hiểm y tế Việt Nam hiện nay mức đóng tính theo tỉ lệ % của tiền lương, lương hưu, trợ cấp hoặc mức lương cơ sở, mức hưởng theo mức độ bệnh tật và thời gian tham gia bảo hiểm y tế, không phụ thuộc vào mức đóng.

Để hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao hơn, ông có thể tham gia thêm loại hình bảo hiểm y tế thương mại. Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu để có gói bảo hiểm y tế bổ sung, nghĩa là đóng nhiều sẽ được chi trả nhiều.

 
ngthphuong14gmailcom:
Về vấn đề BHYT tham gia hơn 5 năm: Khi có số tiền đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở sẽ được chi trả 100%, nhưng đa số người được thấy có nhiều khó khăn nếu muốn được chi trả (phải thu thập hóa đơn rồi nộp lên chờ duyệt). Tôi mong muốn BHYT nên tính đơn giản hơn cho người dân như nếu tham gia hơn 5 năm sẽ được chi trả 85% - hơn 10 năm được chi trả 90%. Lợi cho người được BHYT hơn khỏi phải tính toán thu nhập hóa đơn điều trị. Cám ơn ông.
Ông Phan Văn Toàn:
 

Việc xác nhận bạn tham gia bảo hiểm y tế đủ 5 năm đã được thể hiện trên thẻ bảo hiểm y tế. Đối với chi phí đồng chi trả, để xác định người bệnh đã chi trả đủ từ 6 tháng lương cơ sở, nếu người bệnh khám chữa bệnh ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh khác nhau, người bệnh phải thu thập các hóa đơn để đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp giấy xác nhận đã cùng chi trả đủ 6 tháng lương cơ sở. Việc này đúng là gây phiền hà cho người bệnh.

Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đang nghiên cứu để chi phí cùng chi trả của người bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh khác nhau liên thông với nhau, để cơ sở khám chữa bệnh biết được thời điểm người bệnh chi trả đủ 6 tháng lương cơ sở và tự động không thu thêm của người bệnh.

 
DOAN VAN DE:
Trước kia tôi mua BHYT ở tỉnh, nay vào làm ở TP.HCM, vậy tôi phải làm thế nào để được hưởng BHYT ở TP.HCM?
Ông Nguyễn Thành Đạt:
 

Để được hưởng BHYT, bạn:

- Đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn TP.HCM và xuất trình đầy đủ thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh.

- Đến khám, chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh tương đương với nới đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ và phải xuất trình thẻ BHYT giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh và một trong các giấy tờ sau: giấy công tác, quyết định cử đi học, thẻ học sinh, sinh viên, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú, giấy chuyển trường.

- Vào đầu mỗi quý, bạn đến cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ để được hướng dẫn thủ tục đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu về một trong các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM.

 
Nguyễn Việt:
Qua nói chuyện với một số người bạn làm trong cơ quan khám chữa bệnh, tôi thấy có ý kiến này mong tháo gỡ để nhằm nâng cao chất lượng hơn cho việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Ý kiến như sau: 1/Tại cơ sở khám chữa bệnh, ai là người ghi bệnh án khám cho bệnh nhân? (khi kiểm tra có bệnh án thì cơ sở khám chữa bệnh mới được thanh toán tiền) 2/Cứ trung bình viết hồ sơ bệnh án này nhanh nhất là 5 phút cho một bệnh nhân (vì ghi rất nhiều: thông tin bệnh nhân, các giấy tờ xét nghiệm,...) thì nếu một ngày khám 60 bệnh nhân/1 bác sĩ, nhân viên y tế mất khoảng 300 phút (tức 5 giờ) chỉ để ghi bệnh án thì thời gian khám cho bệnh nhân là 180 phút/60 bệnh nhân. Ông ngh sao về con số này?
Ông Phan Văn Toàn:
 

Đúng là việc ghi chép hồ sơ bệnh án làm mất nhiều thời gian của nhân viên y tế. Hiện tại các cơ sở y tế bố trí điều dưỡng ghi chép hồ sơ cho bác sĩ, xu hướng tới đây là đào tạo thư ký cho bác sĩ, giúp cho bác sĩ ghi chép, tiến tới thực hiện bệnh án điện tử. Các thông tin trong bệnh án điện tử đã được mã hóa, giúp tiết kiệm thời gian ghi chép hồ sơ bệnh án của nhân viên y tế.

Lan Anh - Tuổi Trẻ Online

Album ảnh hoạt động

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1