BHXH Việt Nam: Nỗ lực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

02/07/2016 03:52 PM


 
TGD 081214.jpg
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh

PV: Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc có đánh giá như thế nào về việc thực hiện chính sách này?

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh:

BHYT đang tiếp tục phát triển và được coi là một cơ chế tài chính y tế quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng nền y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.

Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đã có sự tăng trưởng khá nhanh, từ 60% (tương ứng với 52,4 triệu người) vào năm 2010 đã tăng lên 71,6% (tương ứng với 64,7 triệu người) năm 2014 và trên 76,5% vào cuối năm 2015. Bình quân mỗi năm tỷ lệ bao phủ BHYT tăng lên khoảng 2,2% (tương ứng với 2,46 triệu người). Đáng chú ý là có sự dịch chuyển ở các nhóm đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt là đối tượng tự đóng tăng. Điều này thể hiện nhận thức của người dân về sự cần thiết của BHYT đang có sự chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ BHYT giữa các vùng, miền còn có sự chênh lệch. Các tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT cao thường được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là chủ yếu.

Bên cạnh đó, với mức đóng BHYT thấp (khoảng 30$), thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực nhưng phạm vi quyền lợi hưởng BHYT rộng, với hơn 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế và gần 20.000 thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT. Hàng năm, cơ quan BHXH đã chi trả cho hàng trăm triệu lượt KCB, với chi phí lên đến nhiều nghìn tỷ đồng. Quỹ BHYT được quản lý hiệu quả và có kết dư, quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo. Tuy nhiên, tình trạng bội chi cục bộ vẫn diễn ra tại nhiều địa phương; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT ngày càng tinh vi, khó kiểm soát.

 PV: Sau 1 năm triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, các quy định của Luật đã đi vào cuộc sống. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc có thể cho biết tác động của những quy định mới này trong thực hiện chính sách BHYT.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh:

Các quy định mới của Luật BHYT khắc phục được nhiều bất cập và tác động đến nhiều nội dung khác nhau:

Một là, với việc bổ sung đối tượng tham gia BHYT, hình thức tham gia BHYT đã làm gia tăng tỷ lệ bao phủ BHYT;

Hai là, với việc quy định trách nhiệm lập danh sách và cấp thẻ BHYT đã hạn chế việc cấp trùng thẻ BHYT và phát triển đối tượng tham gia BHYT;

Ba là, việc mở rộng quyền lợi người tham gia BHYT khi đi KCB như nâng mức hưởng BHYT đối với một số đối tượng, mở thông tuyến KCB BHYT, không cùng chi trả khi tham gia 5 năm liên tục và chi phí đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở… đã làm tăng tính hấp dẫn của BHYT;

Bốn là, điều chỉnh một số quy định về quản lý tài chính và giá DVYT đồng hạng đã tạo thuận lợi cho cơ sở KCB trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ người bệnh tốt hơn;

Năm là, quy định chế tài đối với hành vi trốn đóng, nợ đóng để đảm bảo nguồn tài chính cho công tác KCB BHYT.
 
KCB 010713.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

PV: Với chủ đề của Ngày BHYT năm 2016 là “Chung tay thực hiện lộ trình BHYT toàn dân”, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu, đến năm 2020, cả nước có ít nhất 90% dân số có BHYT. Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc, mục tiêu này liệu có khả thi?

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh:

Từ Đại hội IX(4/2001) đến Đại hội X (4/2006) của Đảng, mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân đã trở thành một định hướng lớn, mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngày 14/11/2008, Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua Luật BHYT số 25/2008/QH12 có hiệu lực từ ngày 01/7/2009, pháp điển hóa đường lối của Đảng, tạo hành lang pháp lý cao nhất để thực hiện chủ trương BHYT toàn dân. Để tuyên truyền về luật BHYT, khuyến khích, vận động nhân dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 01 tháng 7 hằng năm là ngày BHYT Việt Nam.

Năm 2015, toàn ngành BHXH đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao, với trên 76,5% dân số cả nước có BHYT; đầu năm 2016 cũng đã có trên 70,8 triệu đối tượng tham gia BHYT, tăng khoảng 0,83 triệu, tương đương với 1,2 % so với năm 2015 và đang tích cực triển khai để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ 78% dân số có BHYT đạt theo Quyết định số 1584/QĐ-TTg nói trên của Thủ tướng Chính phủ.

Để đảm bảo hoàn thành sớm hơn mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân, trên cơ sở thực tiễn quá trình thực hiện chính sách này của mình, BHXH Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định điều chỉnh chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2016 -2020 với định hướng phấn đấu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 90% dân số có BHYT và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

PV: Để hoàn thành mục tiêu 78% dân số có BHYT trong năm 2016 và 90% dân số có BHYT vào năm 2020, BHXH Việt Nam sẽ có những giải pháp gì để đạt được những mục tiêu này, thưa Thứ trưởng, Tổng Giám đốc?

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh:

Để thực hiện BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể:

- Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo để các địa phương triển khai thực hiện việc điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ BHYT, quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ ngành và chính quyền địa phương trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT;

- Tăng cường công tác truyền thông, với nhiều nội dung, hình thức và phương pháp khác nhau;

- Cải cách thủ tục hành chính trong việc thu và cấp thẻ BHYT;

- Đẩy mạnh tin học hóa trong công tác thu, cấp thẻ và KCB BHYT;

- Mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới Đại lý thu BHYT;

- Đề nghị Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục khám, chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ để nâng cao tính hấp dẫn đối với người bệnh BHYT.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng, Tổng Giám đốc!
Nguồn; BHXH Việt Nam

Album ảnh hoạt động

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1