Triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong quản lý quỹ BHXH, BHYT

16/10/2016 08:20 PM


 
Toa dam TT 121016 02.jpg
 
Khách mời tham gia Tọa đàm

Tăng cường quản lý quỹ BHYT

Thông tin chung về tình hình sử dụng quỹ BHYT, việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT thời gian gần đây Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn- cho biết: 6 tháng đầu năm 2016 tổng chi quỹ KCB BHYT tại tỉnh là 30.372 tỉ đồng, tăng tương ứng 8.545 tỉ đồng (40% so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, trong 6 tháng 2016 có 37/63 tỉnh có số chi vượt quỹ KCB với số tiền trên 3.400 tỉ đồng. Dự kiến, năm 2016 quỹ BHYT cả nước sẽ bội chi khoảng 5.000 tỉ đồng. Đặc biệt, hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT xảy ra cả ở phía người tham gia BHYT và cơ sở KCB. Đó là tình trạng mượn thẻ BHYT của người khác đi KCB, tẩy xóa thẻ BHYT đã hết hạn.

Về phía cơ sở y tế, hình thức lạm dụng, trục lợi xảy ra không chỉ ở cơ sở y tế tư nhân mà cả công lập. Các cơ sở y tế lạm dụng trục lợi bằng cách, lập hồ sơ bệnh án khống để thanh toán BHYT với cơ quan BHXH; Bệnh nhân đã ra viện nhưng vẫn chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật để để lĩnh thuốc cho cá nhân; Tăng cường đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú để tăng thu tiền giường bệnh, lách luật. Vì thế chi phí nội trú tăng 48% trong 6 tháng.; Chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết; không phù hợp với chẩn đoán và điều trị;  Sử dụng các loại thuốc ít cạnh tranh, có hàm lượng không phổ biến với mức giá cao; Tạo sự độc quyền trong đấu thầu, giá cao, gây lãng phí, sử dụng dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết. Áp giá cao, Thống kê thanh toán sai: thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật;  Sử dụng cán bộ y tế KCB không đủ điều kiện hành nghề theo quy định;  Lắp đặt sử dụng trang thiết bị theo hình thức xã hội hóa không đúng quy định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn nên hoạt động theo nguyên tắc hết năm phải quyết toán và khi có kết dư do sự quản lý tốt. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2016, quỹ BHYT bội chi lớn và cũng không nên đặt vấn đề là trục lợi BHYT bởi không chính xác hoàn toàn. Quỹ tăng do phát triển đối tượng tham gia BHYT tăng, quy định thông tuyến, chuyển tuyến. Đặc biệt, khi mất cân đối quỹ BHYT sẽ ảnh hưởng trục tiếp đến hoạt động KCB tại cơ sở y tế, quyền lợi người có thẻ BHYT và rộng hơn sẽ ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội chung của cả nước bởi quỹ BHYT đảm bảo phần lớn chi trả các chi phí KCB của người dân.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của Quốc hội, việc trục lợi từ phía người dân do chưa nhận thức được hành vi đi khám nhiều lần, lấy thuốc về bán rẻ hơn hoặc sử dụng cho các mục đích khác là nguy hiểm, thiếu trách nhiệm xã hội. Điều này cũng do các cơ quan quản lý chậm đổi mới cơ chế chính sách cũng như cách quản lý và các cấp chính quyền chưa vào cuộc sát sao.

Thông tin về các giải pháp ngăn chặn lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, để phòng chống gian lận, lạm dụng quỹ BHYT, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ như: Chỉ đạo  BHXH 63 tỉnh, thành phố tập trung kiểm soát chi phí; Triệu tập họp với BHXH 17 tỉnh, thành phố có tình trạng bội chi và gia tăng chi phí KCB BHYT bất thường để đưa ra các giải pháp can thiệp; Chủ động tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các địa phương; Phối hợp với Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 7200/VPCP-KGVX (cùng với BYT đang kiểm tra tại tỉnh Hòa Bình; Tổng hội YH VN đã tổ chức đánh giá tại Thanh Hóa); BHXH các tỉnh, thành phố đã tập trung đánh giá nguyên nhân và các yếu tố tác động đến việc gia tăng chi phí KCB BHYT. Rà soát, thẩm định lại chi phí KCB BHYT 6 tháng đầu năm, đặc biệt tại các cơ sở y tế có chi phí tăng cao, bất thường. Quản lý dữ liệu chặt chẽ, kịp thời theo dõi biến động chuyển đi, chuyển đến của bệnh nhân, tăng cường kiểm soát tại các cơ sở y tế, nhất là bệnh nhân điều trị nội trú nhưng vắng mặt không lý do; BHXH các tỉnh, TP phối hợp với Sở Y tế tổ chức tốt việc đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, VTYT điều trị hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT; Phối hợp với các cơ sở KCB BHYT thực hiện liên thông dữ liệu để tới đây sẽ áp dụng giám định điện tử.

Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng đánh giá, BHXH Việt Nam đang triển khai hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin là biện pháp quản lý khoa học, tránh sự lạm dụng. “Phải có hệ thống quản lý thông tin để khi người bệnh đi khám bệnh nhiều lần, nhiều nơi. Phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, nhưng vấn đề là phải quan tâm đến quản lý bằng các công cụ hiện đại, tránh tình trạng đi khám nhiều lần và nhiều thẻ” – Ông Lợi nói.

KCB 020615.jpg
 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Minh bạch trong quản lý quỹ BHXH

Trước ý kiến việc chi quỹ BHXH chỉ do cơ quan BHXH quyết định nên dẫn đến tình trạng thiếu thông tin, minh bạch, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Ý kiến này chưa chính xác bởi hằng năm, các số liệu thu, chi các quỹ BHXH đều được công khai, không hề giấu diếm hay thiếu minh bạch. Luật BHXH quy định, hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH. Định kỳ 3 năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán quỹ BHXH và báo cáo kết quả với Quốc hội.  Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Quỹ BHXH còn được được kiểm toán đột xuất. BHXH Việt Nam cũng định kỳ thực hiện báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng quỹ với Bộ LĐ-TB&XH, Hội đồng quản lý BHXH...

Phó Chủ nhiệm cũng cho biết,việc phát triển đối tượng tham gia BHXH là rất khó khăn. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến với người lao động và nhân dân trên cả nước. Phó Chủ nhiệm đề xuất, cần phải tuyên truyền đúng người, đúng đối tượng, tham gia đóng thế nào, được hưởng lợi thế nào để người dân có niềm tin vào chính sách, từ đó tích cực tham gia.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đang triển khai việc trả sổ BHXH do doanh nghiệp đang quản lý sang cho người lao động trực tiếp quản lý. Người lao động sẽ chủ động biết được số tiền đóng BHXH của họ có được chủ doanh nghiệp nộp về quỹ BHXH hay không. Đây cũng là một biện pháp để công khai, minh bạch quá trình đóng BHXH giúp người lao động tự giám sát, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. Tới đây, khi ngành BHXH hoàn thiện hệ thống CNTT một cách đầy đủ, thì người lao động sẽ theo dõi, kiểm soát được tiền đóng BHXH của mình, kể cả tiền gốc đóng, tiền tăng trưởng do đầu tư quỹ tạo ra.

Trước dự báo nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH nếu tiếp tục duy trì tình trạng “đóng- hưởng” như hiện nay, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho rằng, với mức chi trả lương hưu như hiện nay lớn hơn với mức đóng, kết dư quỹ đang giảm dần, nếu không nâng tuổi hưu thì đến năm 2037 mức thu, bao gồm cả kết dư quỹ, sẽ bằng mức chi, sau đó sẽ phải lấy ngân sách bù vào. 

Theo công thức được áp dụng từ năm 1995, thời gian đóng BHXH trung bình của Việt Nam đang là 25 năm, hưởng 13 năm và nghỉ hưu là 54 tuổi. Nay tuổi thọ tăng lên 73, vậy cần tới 19 năm hưởng lương thì rõ ràng đang mất cân đối 6 năm. Khi điều chỉnh tăng thêm tuổi nghỉ hưu như đề xuất thì khoảng hụt sẽ chỉ còn khoảng 1,5- 2 năm thay vì 6 năm.

Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, Luật BHXH quy định “Nhà nước bảo hộ Quỹ BHXH và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ”. Do đó, nếu Quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối thì Nhà nước sẽ có giải pháp cân đối. Ví dụ, điều chỉnh mức đóng, thời gian đóng, tuổi nghỉ hưu…  Khả năng an toàn quỹ luôn luôn nằm trong tầm kiểm soát.

Nguồn: website BHXH Việt Nam

  • TIN BÀI LIÊN QUAN