Xử lý doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH: Cần sự vào cuộc, chung tay của liên ngành

16/09/2016 03:41 PM




Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu
 
PV: Thưa ông, liên quan đến vụ việc mỗi năm Công ty Honda Việt Nam “sa thải” hơn 2.000 công nhân lao động? Có ý kiến cho rằng, cách làm này của doanh nghiệp là nhằm để tránh việc tăng lương, đóng BHXH? Vậy bản chất của vấn đề này như thế nào?

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu:

Qua thông tin báo chí phản ánh việc Công ty Honda Việt Nam tại Vĩnh Phúc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với số lượng lớn, gây thiệt thòi cho NLĐ (NLĐ), BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh Vĩnh Phúc rà soát, đối chiếu, kiểm tra việc chấp hành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại doanh nghiệp này.

Theo báo cáo của BHXH Vĩnh Phúc, việc thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với NLĐ thuộc Công ty Honda Việt Nam, cụ thể như sau: Số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại thời điểm ngày 31/12/2015 là 7.827 người; tại thời điểm ngày 31/7/2016 là 7.586 người. Về biến động số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, năm 2015 công ty Honda báo tăng 2.228 người, báo giảm 2.966 người; 7 tháng đầu năm 2016, tăng 740 người, giảm 981 người. Số tiền đã thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2015 là hơn 127,5 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm 2016 là hơn 86,1 tỷ đồng.

Về ý kiến cho rằng, cách làm này của doanh nghiệp là nhằm để tránh việc tăng lương, tăng mức đóng bảo hiểm? Theo tôi, việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của NLĐ, tuy nhiên việc tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng là do nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật về lao động.

Liên quan đến chuyện có phải Công ty Honda sa thải NLĐ hay không? Hay chỉ là kết thúc, chấm dứt HĐLĐ thì Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, làm rõ sự việc nêu trên và báo cáo về Bộ.

Còn việc thực hiện giảm lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, căn cứ theo danh sách giảm người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đơn vị sử dụng lao động gửi đến, cơ quan BHXH sẽ thực hiện điều chỉnh giảm.

PV: Từ câu chuyện của Honda Việt Nam, xin ông có thể cho biết những khó khăn của BHXH Việt Nam trong việc ngăn chặn các chiêu thức lách luật của doanh nghiệp trong việc chậm đóng, trốn đóng và giảm mức đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp?

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu:

Hiện nay tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp xảy ra hầu hết các địa phương trong cả nước. Thời gian qua, cơ quan BHXH đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế, ngăn ngừa tình trạng này song vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Về tình trạng trốn đóng BHXH, việc quản lý, nắm bắt số doanh nghiệp mới thành lập, đang hoạt động, thay đổi địa chỉ gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của ngành Thuế, cả nước hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên chỉ có 200.000 doanh nghiệp đang tham gia BHXH.

Cơ quan BHXH không chỉ gặp khó trong việc nắm chính xác số liệu đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, mà trên thực tế nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến quyền lợi của NLĐ, tìm mọi cách để lách luật, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp như ký nhiều HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng; thậm chí có doanh nghiệp thỏa thuận (trái luật) với NLĐ không tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đa số các doanh nghiệp ký HĐLĐ với NLĐ chỉ ghi mức tiền lương và các khoản phụ cấp đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thấp hơn mức thu nhập thực tế mà doanh nghiệp trả cho NLĐ.

Nhiều trường hợp doanh nghiệp thay đổi địa bàn hoạt động mà không thông báo cho cơ quan BHXH cũng như các cơ quan quản lý nhà nước; hoặc doanh nghiệp có chủ nước ngoài bỏ trốn nên không xác định được địa chỉ để theo dõi.

Về nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp cố tình dây dưa nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ (trừ tiền lương) nhưng lại sử dụng tiền vào những mục đích khác. Tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến Quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ; ảnh hưởng đến an toàn, cân đối Quỹ cũng như làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Ở một số địa phương, có tình trạng một số doanh nghiệp “bán chui” các nhà xưởng và tài sản cho người khác để trốn nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, dẫn đến tình trạng là doanh nghiệp cũ “biến mất” trong khi doanh nghiệp mới chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hàng chục tỷ đồng.

PV: Vậy hiện nay ngành BHXH và các cơ quan chức năng đang có những biện pháp xử lý các hành vi này như thế nào?

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu:

Nguyên nhân của tình trạng trốn đóng và chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nêu trên có nhiều nhưng chủ yếu là ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước, thường trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng vào quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ. Chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với NLĐ.

Nhiều tổ chức Công đoàn cơ sở chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ. NLĐ sợ mất việc làm nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình.

Theo Điều 122, Luật BHXH (sửa đổi năm 2014) về xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng khác có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của chủ doanh nghiệp để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Cũng theo Luật BHXH (sửa đổi), BHXH Việt Nam được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của cơ quan BHXH; Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2016. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng giúp ngành BHXH thực hiện tốt công tác thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Triển khai thực hiện Nghị định số 21, BHXH Việt Nam đã ban hành quy định hoạt động Thanh tra chuyên ngành và kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, quy định về trang phục, thẻ thanh tra...; phối hợp với Thanh tra Chính phủ mở 6 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng thanh tra chuyên ngành cho hơn 1000 cán bộ BHXH làm công tác kiểm tra, thu, khai thác thu nợ; 1 lớp thanh tra viên cho 67 công chức là lãnh đạo Ngành, Vụ Thanh tra- Kiểm tra, BHXH các tỉnh, thành phố.

BHXH Việt Nam cũng đã triển khai thí điểm 2 đoàn Thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH thực hiện thanh tra tại Thừa Thiên Huế (phối hợp với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH), Đà Nẵng (phối hợp với Thanh tra Chính phủ)... Sắp tới sẽ triển khai thanh tra trên diện rộng.

PV: Về phần mình, BHXH Việt Nam có những giải pháp gì để khắc phục, tình trạng trốn đóng nợ đọng BHXH, thưa ông?

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu:

Để hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ngoài sự chủ động của ngành BHXH, cũng rất cần sự vào cuộc và cùng chia sẻ trách nhiệm của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương. 5 cơ quan gồm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, BHXH Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp giám sát liên ngành về việc thực hiện pháp luật về BHXH.

Về phần mình, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chủ sử dụng lao động và NLĐ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan Thuế; Kế hoạch- Đầu tư; Ban quản lý các khu công nghiệp..., về đăng ký doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp thuế của các doanh nghiệp, từ đó, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra đôn đốc doanh nghiệp đóng BHXH cho NLĐ, kiên quyết xử lý đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành BHXH sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý BHXH, tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận với BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đồng thời, giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Cơ quan BHXH cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thông tin, báo cáo kịp thời tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tới cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước liên quan để có hướng chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời. Đồng thời, công khai thông tin về các đơn vị trốn đóng, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp số lượng lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi trực tiếp đến tổ chức công đoàn hoặc đại diện NLĐ.

PV: Xin cảm ơn ông!
 
Nguồn: BHXH Việt Nam

  • TIN BÀI LIÊN QUAN