Hướng đến mọi người dân đều được hưởng quyền lợi KCB BHYT

04/10/2019 08:29 AM


Tỉ lệ bao phủ BHYT chưa bền vững

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 68 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hệ thống văn bản pháp luật thực hiện chính sách BHYT được ban hành đầy đủ. Các bộ, ngành đã phối hợp tích cực cũng như đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy định của Luật BHYT, nhằm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân, như: Bắt buộc tham gia BHYT; tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm mức đóng theo số người tham gia; bổ sung một số đối tượng được NSNN đóng BHYT (quân đội, công an, cơ yếu, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo)... Nhờ vậy, tỉ lệ bao phủ BHYT năm 2018 đạt 88,5% dân số và dự kiến năm 2019 đạt 89,8% dân số- vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày báo cáo của Chính phủ

Tuy nhiên, theo đánh giá, các nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao là nhóm NLĐ thuộc khối hành chính sự nghiệp, đối tượng được NSNN đóng hoặc được quỹ BHXH đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT như người nghèo, người có công với cách mạng, cán bộ hưu trí, trẻ em dưới 6 tuổi... Tỉ lệ bao phủ chưa tập trung tại các nhóm người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình, HSSV, hộ gia đình. Cụ thể, nhóm do tổ chức BHXH đóng đạt 100%; nhóm thuộc hộ gia đình cận nghèo đạt khoảng 95,3%; nhóm HSSV đạt khoảng 94% (còn khoảng 1 triệu HSSV chưa tham gia)...

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, song ông Nguyễn Hoàng Mai- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, mục tiêu tỉ lệ bao phủ BHYT theo Nghị quyết 68 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhưng những địa phương đạt và vượt chỉ tiêu chủ yếu tập trung ở vùng núi được NSNN hỗ trợ người dân tham gia BHYT, còn những người dân tự đóng tiền tham gia BHYT (hộ gia đình, người dân thuộc hộ nông- lâm- ngư nghiệp, HSSV...) tăng nhưng vẫn thấp- đây là thách thức khi triển khai thực hiện BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, cử tri còn bức xúc với tình trạng quá tải BV, chưa tin tưởng chất lượng KCB tuyến dưới.

Đáng chú ý, hằng năm quỹ BHYT vẫn mất cân đối. Dù tổng kết dư quỹ 33.776 tỉ đồng, nhưng các năm gần đây đều thâm hụt quỹ mà chưa có đề xuất giải quyết vấn đề này. “Chính phủ bảo đảm tiến độ xây dựng Luật KCB, đồng thời nghiên cứu bổ sung Luật BHYT; phải có giải pháp giải quyết khó khăn “kinh niên” trong quản lý quỹ BHYT, nhằm chấm dứt tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ; sớm trình Quốc hội dự án Luật BHYT sửa đổi; nghiên cứu hoàn thiện các văn bản dưới luật nhằm đẩy mạnh lộ trình BHYT toàn dân...”- ông Nguyễn Hoàng Mai kiến nghị.

Chia sẻ khó khăn trong quản lý quỹ BHYT

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), những năm qua, ngành BHXH đã làm rất tốt công tác phát triển cũng như quản lý quỹ BHYT. Nhờ những cố gắng của ngành BHXH và sự đóng góp của quỹ BHYT, nên các BV công lập đã tiến hành cơ chế tự chủ. Đặc biệt, hiện 4 BV tuyến Trung ương đã tự chủ toàn diện, ngân sách mỗi năm tiết kiệm được hơn 1.000 tỉ đồng từ chi tiền lương cho cán bộ nhân viên, nhưng thực chất vấn đề này quỹ BHYT phải chi trả toàn bộ tiền lương đó.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phát biểu tại phiên họp
 

Đáng chú ý, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, việc đóng góp vào quỹ BHYT chưa tăng (hiện vẫn 4,5%) thì phần chi từ quỹ BHYT lại tăng lên rất nhiều. Do đó, cần phải có những giải pháp mở rộng, phát triển BHYT toàn dân, đặc biệt hướng đến những người tích cực tham gia BHYT. Đồng thời, cũng tính đến tăng tỉ lệ đóng góp, bởi nguyên tắc của BHYT phải có mệnh giá và thanh toán theo mệnh giá- vấn đề này cần sớm đưa vào việc sửa đổi Luật BHYT.

Dưới góc độ khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, để đạt tỉ lệ bao phủ BHYT như hiện nay có sự đóng góp tích cực từ ngành BHXH và ngành Y tế, song cũng cần có định hướng trong thực hiện bao phủ BHYT thời gian tới. Đặc biệt, việc thực hiện chính sách pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân là rất khó vì liên quan đến nhiều tầng lớp trong xã hội. Qua theo dõi cho thấy, người dân bao giờ cũng tính toán lợi ích trước mắt nên ngại bỏ tiền mua BHYT... Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích khi tham gia BHYT, xác định đây là sự đầu tư đảm bảo sức khoẻ lâu dài; hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Cũng theo đại biểu Phương, ở địa phương nào lãnh đạo quan tâm đến BHYT thì công tác phát triển BHYT tại địa phương đó tốt, nhất là trích kinh phí từ ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các đối tượng tham gia BHYT... Vì vậy, vấn đề hiện nay làm sao sửa đổi Luật BHYT theo hướng bắt buộc toàn dân tham gia BHYT, có cơ chế xử lý những trường hợp không tham gia; tạo cơ chế thông thoáng trong thực hiện chính sách BHYT.

“Để thu hút toàn dân tham gia BHYT, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp nâng cao nhận thức người dân cũng như cán bộ y tế, nhằm có cái nhìn đúng đắn hơn với những bệnh nhân dùng thẻ BHYT đi KCB. Đồng thời, nên vận động để có các khoản tài trợ để hỗ trợ các địa phương mua thẻ BHYT cho người dân nhằm nhân rộng, lan toả chính sách; hạn chế người dân khi có bệnh mới tham gia BHYT. Có cơ chế thông thoáng hơn trong KCB BHYT, giúp người dân có thẻ BHYT tiếp cận dịch vụ nhanh hơn và thu hút người dân tham gia BHYT bền vững hơn”- đại biểu Phương đề xuất.

Làm rõ hơn những vấn đề các đại biểu nêu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam rất thận trọng trong việc phân bổ, thông báo nguồn kinh phí để cơ sở KCB chủ động cân đối. Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, quan điểm xây dựng luật cũng như trong Chỉ thị số 38 của BCH Trung ương đều xác định phải nâng cao hơn nữa vai trò cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Vì vậy, trong hướng dẫn đều gắn trách nhiệm của UBND các tỉnh; đồng thời thông báo nguồn kinh phí phân bổ cho cơ sở KCB. Tiêu chí phân bổ căn cứ vào chi phí thực tế của năm trước đã được quyết toán, lọc những chỉ tiêu “nhiễu”. "Về tổng thể nguồn kinh phí trình Thủ tướng ban hành quyết định bao giờ cũng rất cao"- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nói.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng nhấn mạnh, nếu chạy thận nhân tạo mà thiếu kinh phí sẽ rất nguy hiểm, trong khi BV không thể từ chối bệnh nhân. Tuy nhiên, nhìn vào chi phí 6 tháng đầu năm 2019 thấy một số nội dung rất vô lý, như: Có BV tư chỉ trong 6 tháng đầu năm đã chi hết 24 tỉ mổ Phaco và dự kiến đến hết năm sử dụng khoảng 50 tỉ. Như vậy, bình quân cơ quan BHXH thanh toán 5 triệu/mắt/mổ Phaco và 10 triệu cho cả 2 mắt- đồng nghĩa với 5 triệu bệnh nhân được thay đục thuỷ tinh thể. Với một tỉnh dân số chưa đến 1 triệu người mới thấy rõ bất cập. "Vì vậy, rất cần phải có những quy định chặt chẽ hơn cũng như sự vào cuộc của Bộ Y tế và chính quyền địa phương”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nói.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho rằng, để đạt mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân cần đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền để mọi người dân nắm vững ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT; tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT; nhất là cần kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHYT.

Nguồn: BHXH Việt Nam