Thực hiện BHYT toàn dân: Bước đi nhanh và vững chắc

30/09/2019 09:26 AM


Ngày 20/9, Chính phủ đã có Báo cáo số 413/BC-CP gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 (gọi tắt là Nghị quyết 68) về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Theo báo cáo, qua 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Việt Nam đang đi những bước nhanh và chắc trên lộ trình hướng tới BHYT toàn dân.

Tỉ lệ bao phủ BHYT 2019 đạt 89,8%

“Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT” là những chỉ tiêu mà Nghị quyết 68 của Quốc hội đã giao cho Chính phủ. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm này, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật BHYT đã vượt xa mục tiêu ban đầu. Đây được coi là thành quả của sự chỉ đạo, quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, trong đó có sự nỗ lực rất lớn của ngành BHXH và các địa phương.

Ngày càng nhiều người dân có thẻ BHYT để đi KCB
 

Cụ thể, năm 2019, toàn quốc ước có khoảng 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 89,8% dân số (vượt gần 10% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết 68). Trong đó, các nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao như: Nhóm NLĐ thuộc khối ngành sự nghiệp; nhóm được quỹ BHXH đóng; nhóm được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng (người nghèo, người có công, cán bộ hưu trí, trẻ em dưới 6 tuổi…).

Tình trạng quá tải ở các BV tuyến Trung ương cũng được cải thiện đáng kể. Những chuyên khoa quá tải hàng đầu như: Ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi… đều có xu hướng giảm. Đặc biệt, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, tình trạng quá tải ở khu vực nội trú ở các BV tuyến Trung ương cũng như tuyến cuối đều giảm rõ rệt. Phần lớn các BV không còn tình trạng phải nằm ghép (điển hình như BV Hữu nghị Việt Đức, BV Chợ Rẫy...), luôn đảm bảo mỗi người bệnh được nằm điều trị trên 1 giường bệnh hoặc nằm cáng. Bên cạnh đó, quyền lợi của người bệnh BHYT cũng được nâng lên rõ rệt, vì không phải trả thêm hoặc tự mua một số thuốc, VTYT mà trước đây họ phải tự mua hoặc phải trả thêm do quỹ BHYT không thanh toán. Các BV tuyến dưới cũng được khuyến khích thực hiện các kỹ thuật mới, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và từng bước giảm quá tải cho tuyến trên.

Cũng theo Nghị quyết 68, đến năm 2020 sẽ hoàn thành lộ trình tính đúng, tính đủ giá viện phí; qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyển chi thường xuyên từ NSNN cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Trong năm 2018, cả nước đã sử dụng khoảng 31.140 tỉ đồng; năm 2019 sử dụng khoảng 32.300 tỉ đồng chi sự nghiệp y tế (chiếm khoảng 35%) để hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách tham gia BHYT… Chính những kết quả ấn tượng này đã góp phần nâng cao tỉ lệ dân số tham gia BHYT như hiện nay, vượt xa mục tiêu ban đầu mà Quốc hội giao.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp

Theo nhận định của Chính phủ, có được những kết quả ấn tượng như trên chính là nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự phối hợp thực hiện hiệu quả của BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ban ngành liên quan trong việc nghiên cứu, xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp liên quan đến BHYT cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT... Cùng với đó, Chính phủ cũng thường xuyên chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng cơ sở, trang thiết bị cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn... nhằm đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân.

Đáng chú ý, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ kết quả thực hiện 6 nhiệm vụ Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện trong hai năm 2018-2019 cũng như chỉ ra nhiều hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật BHYT. Đơn cử: Tỉ lệ tham gia BHYT còn thấp ở nhóm hộ gia đình cận nghèo; hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình; HSSV; hộ gia đình. Đặc biệt, tính đến hết năm 2018, vẫn còn khoảng 1 triệu HSSV chưa tham gia BHYT- dù đây là đối tượng bắt buộc. Ngoài ra, cả nước mới chỉ có gần 65% số trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, trong đó còn khoảng 35% số trạm y tế xã cần đầu tư, nâng cấp, chủ yếu là xã ở vùng khó khăn. Nhiều nơi còn chưa có nhà trạm, phải đi mượn cơ sở khác, hoặc có xã có trạm y tế nhưng bị hư hỏng nặng, xuống cấp, chưa được đầu tư. Tình trạng quá tải ở BV tuyến Trung ương còn xảy ra trong lĩnh vực khám bệnh, tỉ lệ khám bình quân của một bác sĩ trong một ngày vượt cao hơn định mức mà Bộ Y tế đề ra...

Trong thời gian tới, nhằm khắc phục những hạn chế trên, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ban ngành liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT. Đồng thời, Chính phủ cũng xác định rõ nhiệm vụ: Tập trung phát triển BHYT; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng KCB BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tăng cường ứng dụng CNTT, kết nối dữ liệu trong quản lý KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và hưởng ứng đầy đủ quyền lợi BHYT. Đổi mới cơ chế tài chính và phương thức thanh toán…

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội đưa nội dung đầu tư cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn vào Nghị quyết về kinh tế- xã hội, dự toán NSNN năm 2020 và Nghị quyết về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để các tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các trạm y tế. Ngoài ra, cần xem xét cân đối vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho Chương trình “Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” vay vốn ADB; cho Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng DVYT tuyến cơ sở” vay vốn WB để có thể thực hiện ngay trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tỉ lệ dân số tham BHYT đã được Thủ tướng giao. Bảo đảm ngân sách mua thẻ BHYT cho các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ 100%; ưu tiên bố trí ngân sách để hỗ trợ hộ gia đình cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình tham gia BHYT. Thúc đẩy bao phủ BHYT đối với HSSV. Riêng với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, được sử dụng theo nguyên tắc: Dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong lĩnh vực hành chính và các lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp; dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành (ưu tiên đầu tư cho các trạm y tế xã) và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, theo đề xuất của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội cũng cần tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách BHYT, nhất là những địa phương có tỉ lệ bao phủ BHYT thấp và có dấu hiệu chi quỹ BHYT cao. Các Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội cũng cần tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật, qua đó góp phần mở rộng diện bao phủ BHYT; cũng như giám sát việc đầu tư cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là đầu tư từ ngân sách địa phương để đầu tư cho y tế dự phòng và xây dựng các trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.

Nguồn: Báo BHXH VN.