Trường hợp có nhân viên bị tại nạn giao thông trên đường đi làm, phải nhập viện và phẩu thuật. Trong thời gian điều trị bệnh bạn phải nghỉ việc tại công ty ít nhất từ 2 - 3 tháng để chữa bệnh và hồi phục. Vậy cho em hỏi với trường hợp này bên phía công ty có phải báo giảm BH cho bạn này không, và nếu báo giảm thì các chế độ như BHYT và BHXH của người lao động sẽ không còn hiệu lực nữa, sẽ ảnh hưởng đến việc chữa trị và quyền lợi của người lao động thì sao ạ. Kính mong quý cơ quan giải đáp giúp em thắc mắc này.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến: bhxh@khanhhoa.vss.gov.vn.
Trường hợp bạn hỏi, chúng tôi trả lời như sau:
Thứ nhất, căn cứ tại Điểm c, Khoản 1, Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động: …Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
Theo thông tin bạn cung cấp thì nhân viên của bạn bị tai nạn giao thông trên đường đi làm. Do đó, theo quy định của pháp luật, nếu nhân viên của bạn bị tai nạn giao thông trên đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý thì được coi là tai nạn lao động.
Thứ hai, về quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động
Theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015:
"Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
...
Và Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định tại Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Căn cứ Khoản 4, Khoản 5 Điều 42 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Ban hành Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế quy định:
…
4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
5. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
Như vậy, nếu nhân viên của bạn được xác định là tai nạn lao động thì theo các quy định trên, bên phía công ty bạn không phải báo giảm BH cho bạn này, nhân viên của bạn sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định của Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế và Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành.
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ khác bạn vui lòng liên hệ Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa (ĐT: 0258 3827443) để được giải đáp./.
4902 lượt xem
3104 lượt xem
1862 lượt xem
1712 lượt xem
1533 lượt xem
1254 lượt xem
1246 lượt xem