Khuyến khích người dân tham gia BHYT

06/10/2016 10:26 AM


 
Điều này khiến người dân và cộng đồng xã hội rất lo lắng vì viện phí tăng đồng nghĩa với chi phí khám chữa bệnh cũng tăng lên, kéo theo nhiều gánh nặng khác trong cuộc sống.
 

 KCB 041016 01.jpg
Người dân đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

Theo Bộ Y tế, từ tháng 3-2016 đến nay, viện phí đã có 2 lần điều chỉnh tăng lên đối với nhóm người bệnh có thẻ BHYT. Cụ thể, từ ngày 1-3, viện phí của người có BHYT tăng khoảng 30% do tính thêm các chi phí phụ cấp ngày trực, phụ cấp thủ thuật. Tiếp đó, từ ngày 12-8 vừa qua, 16 tỉnh, thành có tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên 85% dân số đã tiếp tục tăng viện phí khi được tính thêm tiền lương vào giá dịch vụ y tế. Và theo lộ trình, từ nay đến hết năm 2016, các tỉnh còn lại sẽ điều chỉnh viện phí theo giá mới có tính thêm tiền lương cán bộ y tế vào viện phí.

Chưa dừng lại ở đó, “biểu đồ” đi lên của viện phí sẽ tiếp tục được điều chỉnh với nhóm người bệnh không có thẻ BHYT vào đầu năm 2017 tới. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết việc tăng viện phí từ đầu năm 2017 với những người không có thẻ BHYT được xây dựng theo hướng kết cấu thêm các chi phí như đã kết cấu vào giá dịch vụ cho người có thẻ BHYT (phụ cấp ngày trực, phụ cấp thủ thuật, tiền lương), với lộ trình 2 bước tăng giá.

Cụ thể là từ ngày 1-1-2017, viện phí của người không có thẻ BHYT sẽ tăng thêm trung bình khoảng 30% so với hiện nay khi tính thêm các chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù. Tiếp đó, từ ngày 1-7-2017, khi cộng thêm tiếp các chi phí tiền lương nhân viên y tế, viện phí sẽ có mức tăng trung bình khoảng 50% so với giá hiện nay.

Theo tính toán của liên bộ Y tế - Tài chính, sẽ có hơn 1.900 dịch vụ y tế được tăng giá, chẳng hạn như: Nội soi ổ bụng là 575.000 đồng sẽ tăng lên theo từng đợt lần lượt là 684.000 đồng từ ngày 1-1-2017 và 793.000 đồng từ ngày 1-7-2017; phẫu thuật cắt thực quản giá hiện nay là 4.056.600 đồng, tới đây là 5.633.000 đồng và tiếp đó là 6.907.000 đồng.

Ông Liên cũng cho biết, việc tăng viện phí với người không có thẻ BHYT tới đây nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT để khuyến khích người dân tham gia BHYT nhiều hơn. Đồng thời, tăng viện phí nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh cho người dân.

Mặc dù viện phí sẽ tăng 30% - 50% đối với nhóm chưa có BHYT nhưng việc điều chỉnh lần này cũng chưa tính chi phí sửa chữa lớn, khấu hao, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong bệnh viện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất có thể trong thời gian tới, viện phí sẽ tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước hiện còn hơn 20% dân số chưa tham gia BHYT, nên việc tăng viện phí sẽ là gánh nặng rất lớn về chi phí khám chữa bệnh mỗi khi đau ốm.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Lê Thu Hồng (65 tuổi, ở Kim Sơn, Ninh Bình) đang điều trị tim mạch tại Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Cả nhà tôi buôn bán lặt vặt và lao động tự do nên chẳng ai có thẻ BHYT. Khi tôi bị phát hiện bệnh mạch vành phải lên đây điều trị, tốn kém đã gần 70 triệu đồng rồi vẫn chưa khỏi, mà tới đây viện phí còn tăng thêm nữa thì quả thực là sẽ rất khó khăn với gia đình tôi”.

Không chỉ có bà Hồng mà nhiều người bệnh không có BHYT cũng bày tỏ sự lo lắng khi chi phí khám chữa bệnh tiếp tục tăng. Đang điều trị tại Khoa Xương khớp của Bệnh viện Việt Đức, ông Huy Linh (ở Phúc Thọ, Hà Nội) bày tỏ: “Hiện giờ đi bệnh viện đã phải chi phí tiền thuốc men nhiều lắm, vậy mà tới đây viện phí còn tăng nữa thì chúng tôi có ốm đau cũng không dám tới bệnh viện, vì lấy đâu tiền mà chi trả. Bởi lẽ đâu phải chỉ có tiền thuốc men mà còn tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày nữa”.  

 

KCB 041016 02.jpg 
 
Viện phí tăng khiến người dân thêm gánh nặng khi ốm đau

Không chỉ lo lắng về gánh nặng chi phí khám chữa bệnh tăng cao mà rất nhiều người cũng bày tỏ sự băn khoăn và bức xúc khi cho rằng việc tăng viện phí liên tục nhưng chất lượng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện vẫn chưa được cải thiện tương xứng. Thực tế qua tìm hiểu của phóng viên tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội và TPHCM cho thấy, người bệnh khi đi khám chữa bệnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, phải chầu chực chờ đợi hàng giờ mới được khám bệnh. Tình trạng quá tải vẫn diễn ra trầm trọng khi không ít khoa, phòng điều trị người bệnh phải nằm ghép 2 - 3 người/giường.

Mới đây, tại diễn đàn về bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã thẳng thắn chỉ rõ về việc tinh thần, thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận y, bác sĩ và những người làm việc trong bệnh viện còn chưa tốt, việc theo dõi, chăm sóc người bệnh chưa chặt chẽ. Việc mổ nhầm, trả kết quả nhầm và các sự cố, sai sót y khoa liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, thậm chí tại cả những bệnh viện đầu ngành, đang khiến cho cộng đồng, dư luận không khỏi hoang mang. 
 
Nhiều bệnh viện cho rằng, tăng viện phí bệnh viện sẽ có lợi nhưng cũng sẽ phải cạnh tranh với nhau về chất lượng quyết liệt hơn để thu hút được nhiều người bệnh. Tuy nhiên, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, cho rằng tăng viện phí cũng chưa thể chấm dứt ngay được tình trạng quá tải bệnh viện, “bệnh phong bì” và thái độ phục vụ, vì chất lượng khám chữa bệnh ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên cần có các giải pháp đồng bộ. Thậm chí, viện phí tăng, “người bệnh trả lương cho y, bác sĩ” sẽ kéo theo các  áp lực cạnh tranh, thu hút bệnh nhân nên dễ dẫn tới lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật, chỉ định bệnh nhân phải xét nghiệm, chiếu chụp không cần thiết.
 
Nguồn: Trang Thông tin điện tử BHXH Việt Nam